Không khí Tết rộn ràng trên các làng nghề truyền thống

author 14:01 19/01/2023

(VietQ.vn) - Những ngày Tết đến cận kề, người dân các làng nghề tiếp tục sứ mệnh giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc. Họ đang tất bật với công việc để làm ra những sản phẩm chất lượng, mang đậm hương vị của quê hương, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngọt ngào vị mứt Tết Phương Trung

Như thành truyền thống, ngày Tết trong nhiều gia đình, một thứ không thể thiếu chính là món mứt. Khách đến nhà, mọi người mời nhau chút mứt ngọt ngào, thơm thảo cùng lời cầu chúc mọi điều hanh thông, thuận lợi trong năm mới. Điều này đã thành nét văn hóa truyền thống.

Đến với làng nghề Phương Trung, xã Phương Chiểu (Hưng Yên) ngay từ đầu làng đã thấy hương thơm của trái cây quyện với mùi đường, mật khiến ai qua đây cũng cảm thấy hấp dẫn và muốn dừng chân vào làng để thưởng thức hương vị đặc biệt này.

Mứt Tết thức quà cổ truyền của người Việt 

 

Trong các cơ sở chế biến mứt, không ai bảo ai, mỗi người một công đoạn, một phần việc để cho ra lò những mẻ mứt thơm ngon phục vụ khách hàng. Bên cạnh mứt táo là mặt hàng chủ lực, mấy năm gần đây do nhu cầu lớn và đa dạng của thị trường nên các hộ làm nghề đã đưa vào chế biến thêm các loại ô mai như sấu, mơ…

Theo trưởng thôn Phương Trung ông Nguyễn Văn Lương thì năm nay số hộ làm mứt có giảm hơn so với mọi năm do giá nguyên liệu tăng, thuê công lao động cao, cùng với đó làm mứt vất vả, đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, do vậy một số hộ đã bỏ nghề. Tuy nhiên với giá mứt hiện nay là gần 40 nghìn đồng/kg, những hộ vẫn giữ nghề thì vụ làm mứt này cũng ước tính cho thu lãi từ 20 – 30 triệu đồng.

Dịu nhẹ hương trầm Phúc Trạch

Ngày Tết đang đến gần, nhưng những người làm nghề se nhang tại Phúc Trạch (Hà Tĩnh) vẫn miệt mài với các công đoạn làm nhang để xuất ra thị trường phục vụ trong dịp Tết và dịp rằm tháng Giêng. Họ dường như “quên” cả việc nghỉ Tết.

 Người dân ở làng trầm Phúc Trạch tất bật sản xuất các loại hương để phục vụ cho thị trường Tết

Hương trầm nơi đây được sản xuất quanh năm, tuy nhiên vào những tháng gần Tết mới là mùa chính và là thời điểm nhộn nhịp nhất. Gia đình chị Võ Thị Nga là một trong những hộ sản xuất hương và các sản phẩm từ cây dó trầm lớn tại xã Phúc Trạch. Chị cho biết "Hương được sản xuất quanh năm, nhưng vào dịp cuối năm thì nhu cầu cao gấp đôi nên thời gian này chúng tôi phải làm ngày, làm đêm. Hương trầm Phúc Trạch được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành như ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh."

Chạy dọc theo tuyến xã Phúc Trạch những ngày cuối năm, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn “mùi Tết” đang đến gần khi cứ cách 2 đến 3 căn nhà lại bắt gặp những sạp hương vàng óng đang rực rỡ phơi mình dưới nắng. Hương thơm dịu nhẹ của hương trầm phảng phất trong gió vô cùng dễ chịu.

Với quan niệm dó trầm đưa lộc vào nhà, mang lại may mắn cho gia chủ trong dịp Tết, nên nhu cầu về các sản phẩm từ dó trầm những ngày Tết ngày càng lớn.

Đậm đà nước mắm Nam Ô

Đối với người dân làng nghề sản xuất nước mắm Nam Ô (Đà Nẵng), những ngày cuối năm không khí và công việc trong làng nghề cũng rộn rã không kém. Nước mắn khi được làm ra sẽ được các thương lái thu mua và vận chuyển đi khắp mọi tỉnh thành trên cả nước.

 Nước mắm Nam Ô được làm từ cá cơm than tươi 

Ông Bùi Thanh Phú (Giám đốc Công ty TNHH mắm Hồng Hương, thương hiệu nước mắm Hương Làng cổ) cho biết nghề làm nước mắm đã có từ cách đây hàng trăm năm, trải qua nhiều thăng trầm, có những lúc nghề làm nước mắm nơi đây tưởng chừng như đã biến mất. Dù vậy, nhờ vào sự nỗ lực và phát triển nghề, hiện nay Hội nước mắm làng nghề có khoảng hơn 50 hội viên chính thức. Bên cạnh đó hầu hết các hộ trong làng Nam Ô (cũ) đều biết cách làm nước mắm truyền thống nhưng ngày thường họ mưu sinh bằng công việc khác. Chỉ đến dịp Tết cổ truyền, tất cả các hộ mới quay về với nghề làm nước mắm để đưa ra thị trường đón Tết.

Để có một mẻ mắm ngon tùy vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên điều quan trọng nhất là cá nguyên liệu và thời tiết. Cá được dùng để làm nước mắm Nam Ô là cá cơm than tươi. Cá sau khi ủ muối phải mất ít nhất 6 tháng mới có thể lọc ra phơi hơi, sau đó mới chiết lọc vào chai. Nước mắm nơi đây có vị mặn đặc trưng của muối nhưng không chát bởi vẫn giữ được nguyên vị ngọt thanh của cá cơm.

Ông Phú chia sẻ thêm "Làm nước mắm khó nhất là khâu chọn nguyên liệu. Bên cạnh đó những yếu tố như khí hậu, nhiệt độ gió, kỹ thuật che nắng, mưa cho lu mắm… cũng quyết định đến chất lượng nước mắm."

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang