Ô tô bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không thường xuyên vệ sinh khoang động cơ

author 07:57 18/04/2024

(VietQ.vn) - Khoang động cơ ô tô nếu không được làm sạch bụi bẩn sẽ giăng đầy các bộ phận, dẫn đến khả năng tản nhiệt của máy kém đi và xuất hiện hiện tượng chết máy...

Theo các chuyên gia về sửa chữa ô tô, vệ sinh khoang máy ô tô là việc làm cần thiết và mang đến nhiều lợi ích cho ô tô. Ngược lại nếu quá trình vệ sinh không đúng cách, không cẩn thận sẽ làm ảnh hưởng đến một số chi tiết máy, hệ thống điện gây chập cháy, hư hỏng, không hoạt động được.

Nếu khoang động cơ ô tô bị bám bẩn nhiều các chi tiết máy sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt vòng bi sẽ dễ bị mài mòn do cát, bụi. Vệ sinh khoang máy cho khả năng chống gỉ sét, ăn mòn, hạn chế quá trình oxy hóa trang thiết bị, linh phụ kiện trong khoang máy. Nếu khoang động cơ không được vệ sinh quá lâu sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa của các bộ phận cao su bên trong. 

Nếu bình ngưng và bình chứa nước nằm ở phía trước khoang động cơ không được vệ sinh trong thời gian dài, bề mặt của chúng cũng sẽ bám đầy bụi bẩn dẫn đến hiệu suất tản nhiệt giảm, hiệu quả làm mát của điều hòa giảm, nhiệt độ nước cao ảnh hưởng đến tuổi thọ động cơ.

Khoang động cơ ô tô nếu không được làm sạch thì bụi bẩn sẽ giăng đầy các bộ phận, dẫn đến khả năng tản nhiệt của máy kém đi rất nhiều và xuất hiện hiện tượng chết máy. (Ảnh minh họa)

Thời gian vệ sinh động cơ khoang máy tùy thuộc vào tần suất sử dụng xe cũng như môi trường chạy xe. Với những xe hoạt động trong môi trường đô thị, mức bụi thấp nên rửa động cơ bằng hơi nước 1-2 lần một năm. Với những vùng có khí hậu khô cằn thường có lượng bụi bẩn nhiều hơn vùng khác nên vệ sinh động cơ bằng hơi nước 1 lần sau 3 tháng. Ở những vùng có lượng bụi bẩn nhiều nên vệ sinh bằng hơi nước 1-2 lần 1 năm đi kèm với việc lau sạch mặt động cơ.

Có thể vệ sinh khoang máy ô tô tại nhà trước khi vệ sinh khoang máy ô tô, lưu ý phải chờ động cơ nguội hẳn mới bắt tay làm sạch và loại bỏ rác khỏi khoang động cơ. Nếu nhận thấy động cơ còn nóng, ấm, hãy mở nắp ca-pô và chờ khoảng 30 phút để tản bớt nhiệt. Sau đó, loại bỏ lá cây, bụi bẩn kẹt ở phần tiếp giáp kính chắn gió, lỗ thông hơi hoặc hốc hút gió khoang động cơ. Chú ý, không dùng vòi xịt nước để loại bỏ bụi và rác bởi nước bắn vào các khe, lỗ trong khoang máy, dễ làm hỏng các bộ phận này.

Sử dụng túi nylon, màng nhôm hoặc màng bọc che những bộ phận điện như: Bình ắc-quy, cầu chì, cổ hút gió,... Bọc cẩn thận những vị trí này nhằm đảm bảo an toàn trong lúc xịt nước trực tiếp vào khoang máy.

Dùng vòi xịt phun thành chùm tiết diện rộng, nhẹ nhàng xịt vào khoang động cơ. Sau công đoạn làm ướt, dùng bàn chải mềm, chổi sơn cọ từng chi tiết, ngóc ngách. Đối với khoang động cơ lâu không vệ sinh, hãy dùng dung dịch vệ sinh chuyên dụng để loại bỏ bụi bẩn, cặn bám. Lưu ý sử dụng găng tay khi dùng dung dịch làm sạch động cơ bởi chúng có chứa một số hoá chất, có thể làm kích ứng da.

Sau khi làm sạch bụi bẩn, dầu mỡ, dùng quạt, máy nén khí hoặc khăn bông làm khô các chi tiết bên trong khoang máy. Sau khi các chi tiết được lau khô, tháo túi ni-lông, màng nhựa bọc bộ phận điện lúc đầu và dùng khăn lau kỹ các chi tiết này.

Bước tiếp theo, khởi động xe và nổ máy trong vòng 2-3 phút để chắc chắn rằng cầu chì, IC hoạt động bình thường. Động cơ nóng lên sẽ làm khô các chi tiết bên trong.

Để vệ sinh khoang máy tốt nhất nên đến tiệm spa ô tô hoặc tiệm rửa xe chuyên nghiệp, showroom có chất tẩy rửa chuyên dụng và biết nơi nào cần rửa, nơi nào không nên rửa. Nếu vết bẩn không nghiêm trọng, cách đơn giản nhất là thổi bay nó bằng khí áp suất cao rồi dùng giẻ lau sạch.

Thanh Hiền (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang