Những tin tức mới cập nhật về tình hình khủng bố IS ngày 09/11/2015

authorThanh Bình 16:39 09/11/2015

(VietQ.vn) - "IS thả 37 con tin người Thiên Chúa giáo"; "Mỹ tính điều thêm quân tới Syria diệt IS";...là những tin tức mới cập nhật về tình hình khủng bố IS.

Sự kiện: Khủng bố IS

IS thả 37 con tin người Thiên Chúa giáo

Những người này nằm trong số 215 con tin Thiên Chúa giáo Assyria bị tổ chức khủng bố IS bắt từ tháng 2/2015. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), những người này được trả tự do hôm thứ 7/11, trên một tuyến xe buýt đi đến thị trấn Tal Tamr thuộc khu vực Khabur, tỉnh Hasakeh, miền đông bắc Syria.

Cũng theo SOHR, hầu hết những người được trả tự do đều đã lớn tuổi, gồm 27 phụ nữ và 10 nam giới, sống ở các làng khác nhau thuộc vùng Khabur. Tất cả những người này đều ở trong tình trạng sức khỏe ổn định. CNN dẫn báo cáo từ SOHR cho biết đây là kết quả nhiều cuộc thương lượng của nhà thờ địa phương với băn nhóm khủng bố. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác thì nhóm thánh chiến được trả tiền để thực hiện việc này.

Một nhóm phụ nữ Yazidi được khủng bố IS trả tự do ngày 8/8Một nhóm phụ nữ Yazidi được khủng bố IS trả tự do ngày 8/8

Ông Usama Edward từ SOHR cho hay các con tin nói trên bị bắt vào ngày 23/2 cùng với 178 người khác khi các tay súng IS càn quét khoảng 12 ngôi làng ở bờ nam sông Khabur, gần thị trấn Tal Tamr, tỉnh Hasakeh, miền đông bắc Syria. Tiền chuộc từ hoạt động bắt cóc con tin từ lâu đã được xem là một trong những nguồn tài chính quan trọng của nhóm khủng bố IS.

Hồi đầu tháng 3/2015, IS cũng trả tự do cho 19 người Assyria Thiên Chúa giáo sống ở làng Tal Ghoran. Nhiều nguồn tin cho biết họ đều từ 50 tuổi trở lên. Điều này cho thấy, có thể IS có “chiến lược” và tính toán trong việc chọn người để thả nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Assyria là một trong những tộc người xuất hiện sớm nhất tại Trung Đông, với lịch sử hơn 4.000 năm hình thành và phát triển. Mặc dù tôn giáo khởi thủy của họ là Ashurism, hầu hết người Assyria đã cải đạo sang Thiên Chúa kể từ thế kỷ thứ 3. Tính đến nay, cộng đồng người Thiên Chúa giáo Assyria đã lên đến quy mô 30.000 người, sống rải rác trên 35 ngôi làng khác nhau ở tỉnh Hasakeh, theo Tuổi Trẻ.

Mỹ tính điều thêm quân tới Syria diệt IS

"Để chiến thắng, bạn phải có sự tham gia của các lực lượng bản địa, những người có thể giữ gìn hòa bình sau khi họ được hỗ trợ giành thắng lợi", ABC News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết trong cuộc phỏng vấn ghi lại khi ông thăm tàu USS Theodore Roosevelt ở Biển Đông.

Theo Bộ trưởng Carter, lực lượng bản địa như vậy hiện khó tìm thấy ở Iraq và Syria. Mỹ sẽ "làm nhiều hơn nếu tìm thấy thêm các nhóm sẵn sàng chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo và đủ năng lực". Khi được hỏi điều này có phải nghĩa là sẽ có thêm binh sĩ Mỹ tới Syria hay không, ông Carter trả lời "đúng như vậy".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton CarterBộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter

Bình luận trên xuất hiện khoảng một tuần sau khi Nhà Trắng thông báo quyết định điều động "ít hơn 50" đặc nhiệm tới miền bắc Syria nhằm tăng cường sức mạnh cho các lực lượng đang giao tranh với IS.

Mỹ có ý định "hỗ trợ mọi thứ có thể, từ tình báo, không kích... để giúp những lực lượng bản địa đủ năng lực". "Đây là một ví dụ trong chiến lược tổng thể. Chúng ta phải tiêu diệt IS. Chúng ta sẽ đánh bại IS. Quả tim của IS nằm ở Syria và Iraq", ông Carter cho biết thêm.

Quyết định điều động đi ngược lại với lập trường không đưa binh sĩ Mỹ đến Syria của Washington. Binh sĩ Mỹ từng thực hiện một số nhiệm vụ bí mật ở nước này nhưng không phải liên tục. Mỹ đang dẫn đầu liên minh quốc tế gồm 65 thành viên triển khai không kích IS ở Syria và Iraq. Tuy nhiên, chiến dịch trên có tác động hạn chế trong việc chặn các đợt tấn công của nhóm phiến quân, theo VnExpress.

Chứng 'đồng sàng dị mộng' trong liên minh chống IS

Theo Zing, Nouri al-Maliki, Phó tổng thống Iraq và từng giữ chức thủ tướng, tin rằng đất nước ông là mục tiêu của một “âm mưu khu vực” và có nguy cơ tan rã. Ông nhận định rằng nếu Baghdad mời Nga không kích IS ở Iraq, cục diện có thể xoay chuyển theo chiều hướng tích cực. Theo Maliki, liên minh do Mỹ đứng đầu rất nỗ lực nhằm triệt hạ IS tại Iraq, song hoạt động của họ không mang lại hiệu quả.

“Tôi không thể tin và chấp nhận rằng hơn 60 quốc gia sở hữu những vũ khí và chiến đấu cơ hiện đại nhất tiến hành chiến dịch không kích của họ tại Iraq suốt 14 tháng và IS vẫn tồn tại trên đất nước này”, Maliki nói với RT.

Phó tổng thống tiết lộ rằng thành phố Ramadi và trung tâm lọc dầu lớn ở thành phố Baiji lọt vào tay IS sau khi liên quân bắt đầu không kích bọn khủng bố.

Chiến đấu cơ cất cánh từ một hàng không mẫu hạm của MỹChiến đấu cơ cất cánh từ một hàng không mẫu hạm của Mỹ

“Một số thành viên của liên quân ấp ủ những toan tính riêng về sự tồn tại của IS. Họ cũng xem xét những kết cục sẽ xảy ra sau liên quân tiêu diệt chúng. Tình hình tại Iraq và khu vực này sẽ ra sao? Bản đồ sẽ thay đổi thế nào? Hoặc có thể họ hy vọng IS là một công cụ quan trọng để thay đổi tình hình ở Iraq và khu vực”, ông nói. Maliki thừa nhận Moscow giúp Baghdad rất nhiều sau khi thành phố Mosul rơi vào tay IS.

"Những trận không kích của Nga ở Syria gây thiệt hại lớn cho lực lượng khủng bố và tiếp thêm sức mạnh cho quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad. Hành động của họ khiến liên quân quốc tế choáng váng. Chỉ trong vài tuần, Moscow tấn công vào những vị trí quan trọng của chúng tại Syria. Trong khi đó, liên quân 60 quốc gia chẳng làm được gì trong 14 tháng ở Iraq", ông nói thêm.

Áp lực từ Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Iraq đang chần chừ trong việc mời Nga không kích IS, Maliki tiết lộ. “Nhiều người từng nghĩ rằng sự hiện diện của Nga trong khu vực đã kết thúc. Tuy nhiên, họ đang trở lại và sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố với Iraq và Syria”, ông nói.

Tuyết Anh (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang