Kiểm soát an toàn thực phẩm trong mùa lễ hội

(VietQ.vn) - Nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm và tại mọi địa phương, đặc biệt là tại những khu vực tổ chức lễ hội lớn, nơi tập trung đông đảo người tham gia.
Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Việt Nam Toàn cầu- Kiến tạo động lực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
TCVN 13888:2023 quy định yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ Halal
Trí thức khoa học công nghệ - nền tảng cho sự phát triển trong tình hình mới
Mùa lễ hội xuân 2025 đang diễn ra sôi động tại nhiều địa phương trên cả nước, thu hút đông đảo du khách tham gia. Ở bất kỳ lễ hội hoặc điểm di tích, danh thắng đều có các dịch vụ ẩm thực phục vụ du khách. Các dịch vụ này cơ bản hoạt động bên ngoài, lối vào lễ hội, di tích, danh thắng, trên cơ sở được sự cho phép của chính quyền địa phương và ban quản lý. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp tự phát, bán hàng rong, lôi kéo, mời chào du khách ngay tại cửa đền, chùa, nơi tổ chức lễ hội.
Hình ảnh thường thấy ở khu dịch vụ ăn uống tại nhiều lễ hội, di tích, danh thắng hiện nay là quán xá dựng tạm, bếp ăn sơ sài, thiếu nước, thiếu điện, thực phẩm không được bảo quản hợp vệ sinh, bàn ăn đặt ngay trên nền đất, có khi bầy tràn cả ra lề đường, xe cộ đi lại bụi bặm, nhếch nhác…
Theo Cục ATTP, Bộ Y tế, nguy cơ mất ATTP vẫn có thể xảy ra ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng thực phẩm và tại mọi địa phương, đặc biệt là tại những khu vực tổ chức lễ hội lớn, nơi tập trung đông đảo người tham gia.
Cục ATTP đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội, đặc biệt là các cơ sở lớn và khu vực tổ chức lễ hội, khu du lịch, khu di tích lịch sử.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về ATTP, bao gồm đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị chế biến thực phẩm, đào tạo đội ngũ nhân viên để tránh rủi ro gây ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, cần phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào và quy trình chế biến thực phẩm.
Hình ảnh hàng quán tại khu vực Đền Và, Sơn Tây dịp Tết.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong mùa lễ hội phải đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực theo quy định của Luật ATTP. Cụ thể, các cơ sở phải có địa điểm rộng rãi, đảm bảo vệ sinh và có khoảng cách an toàn đối với các nguồn gây ô nhiễm.
Ngoài ra, cơ sở cần có đủ trang thiết bị để xử lý nguyên liệu, chế biến, bảo quản và vận chuyển thực phẩm mà không gây ô nhiễm. Các nhân viên tham gia trực tiếp vào sản xuất thực phẩm cần được đào tạo về ATTP và không mắc các bệnh truyền nhiễm.
Đại diện Cục ATTP cho biết, những cơ sở vi phạm quy định về ATTP sẽ bị xử lý nghiêm theo Nghị định số 115/2018/NĐ-CP. Các hành vi vi phạm như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sử dụng thực phẩm hết hạn sử dụng hoặc không đảm bảo vệ sinh, sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức.
Đặc biệt, các hành vi nghiêm trọng như không thực hiện kiểm thực ba bước, không lưu mẫu thức ăn hoặc không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thực phẩm sẽ bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.
Để chấn chỉnh thực trạng trên, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và khuyến cáo người dân, du khách, ngay từ trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về đảm bảo an toàn dịp Tết và lễ hội mùa xuân năm 2025. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ATTP theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Trong đó, giao chính quyền địa phương, nhất là ở các đô thị lớn, nơi lễ hội có đông người tham gia phải tăng cường kiểm soát ATTP, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu tổ chức lễ hội xuân. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất ATTP, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn.
Mùa lễ hội thường diễn ra trong tháng Giêng và mấy tháng đầu năm Âm lịch. Hoạt động lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nhưng cũng là cơ hội để nhiều người lợi dụng kinh doanh, buôn bán trái quy định, không đảm bảo vệ sinh ATTP, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, du khách. Thực trạng này phải bị lên án, xử lý nghiêm theo quy định, góp phần tạo không khí vui tươi, phấn khởi đầu Xuân và đảm bảo an toàn trong mùa lễ hội.
Thiên Bảo (t/h)