Kiên Giang: Phát hiện và tạm giữ 19.000 cái dao Thái Lan nhập lậu

author 15:20 11/08/2022

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang vừa phát hiện khoảng 19.000 dao mang nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Cụ thể Đội QLTT số 3 thuộc Cục QLTT tỉnh Kiên Giang đã tiến hành khám ôtô vận tải hàng hóa mang biển kiểm soát số 65C-116.06 đang đậu tại khu vực ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, do ông V.Q.H (địa chỉ thường trú: số 88A, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre) điều khiển.

Kết quả khám phương tiện, Đoàn kiểm tra phát hiện trong thùng xe có khoảng 19.000 (mười chín nghìn) cây dao các loại, nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, toàn bộ hàng hóa không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại thời điểm kiểm tra, chưa xác định được chủ sở hữu hàng hóa.

Lực lượng chức năng phát hiện số dao Kiwi có dấu hiệu nhập lậu 

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ và niêm phong toàn bộ số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nêu trên và giấy phép phương tiện để tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh, bổ sung tài liệu, chứng cứ xử lý theo quy định pháp luật. Tổng trị giá hàng hóa tang vật vi phạm của vụ việc khoảng 250 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 3 đã kiểm tra đột xuất 04 vụ, tạm giữ và niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính tổng cộng hơn 83.000 cây dao các loại, nhãn hiệu Kiwi, xuất xứ Thái Lan và 01 xe ô tô vận tải hàng hóa, tổng trị giá tang vật khoảng 1,26 tỷ đồng; xử phạt 02 cá nhân với tổng số tiền 90 triệu đồng, tịch thu gần 24.000 cây dao.

Theo lực lượng chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu và phân phối thương mại sản phẩm phải có chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì sản phẩm ghi nhận các thông tin đầy đủ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, trường hợp kinh doanh hàng hóa mà khi có kiểm tra, đơn vị không xuất được các chứng từ, hóa đơn chứng minh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 124/2015/NĐ-CP tùy thuộc vào giá trị hàng hóa sẽ bị xử phạt các mức khác nhau.

Điều 21 Nghị định 185/2013/NĐ- CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Kinh doanh hàng hóa có nhãn, bao bì hàng hóa có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng hoặc thông tin khác sai sự thật, gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia, truyền thống lịch sử hoặc phương hại đến bản sắc văn hóa, đạo đức lối sống, đoàn kết dân tộc và trật tự an toàn xã hội.

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên”.

Ngoài hình phạt tiền, hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định; Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc hoặc vật khác được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định.

Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý thì còn có thể bị khởi tố điều tra, truy tố theo Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 về tội buôn lậu với mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân là 15 năm tù, với pháp nhân thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

 Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang