Kinh doanh hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc

author 08:53 25/08/2021

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương vừa phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc tại Kinh Môn.

Theo thông tin từ Tổng Cục QLTT, thực hiện tăng cường quản lý xuất nhập khẩu các mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong đó có mặt hàng xăng dầu, than, sắt thép ... trong những ngày qua, Tổng cục QLTT – Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục QLTT Hải Dương phối hợp cùng Cục Cảnh sát Kinh tế (C03) – Bộ Công an đồng loạt kiểm tra 21 điểm kinh doanh than (bãi than) của các cá nhân, doanh nghiệp nằm rải rác trên địa bàn thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Theo đó với sự tham gia của hàng trăm kiểm soát viên quản lý thị trường và các chiến sỹ thuộc lực lượng cảnh sát kinh tế, cảnh sát cơ động, lực lượng chức năng mới kiểm tra và có kết quả sơ bộ của 15 trong số 21 bãi than có dấu hiệu vi phạm.

 Lượng lớn than không rõ nguồn gốc. Ảnh: Quyên Lưu

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, mỗi bãi than nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thủy, đường đi lại khó khăn, nằm ở xa khu dân cư. Tại mỗi bãi than có nhiều doanh nghiệp bao gồm cả tổ chức, cá nhân quản lý đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh.

Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện phần lớn các bãi có khối lượng than chênh lệch so với hoá đơn nhập hàng. Đơn cử, tại 01 trong số 15 cơ sở đã được kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ. Đây là số lượng than rất lớn được cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua.

Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm về đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở, đồng thời phối hợp với Tổng cục địa chất khoáng sản để giám định, đối chiếu làm rõ chủng loại than cũng như sự chênh lệch khối lượng than hiện có trên bãi so với số hoá đơn nhập hàng do doanh nghiệp xuất trình.

Điều kiện đối với kinh doanh than

1. Chỉ doanh nghiệp mới được phép kinh doanh than.

2. Doanh nghiệp kinh doanh than phải được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong đó có đăng ký ngành nghề kinh doanh than.

3. Doanh nghiệp kinh doanh than tùy thuộc hoạt động kinh doanh cụ thể phải đảm bảo các điều kiện sau:

Sở hữu hoặc thuê địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, phương tiện bốc rót, kho bãi, bến cảng, phương tiện cân, đo khối lượng than để phục vụ hoạt động kinh doanh và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ theo các quy định hiện hành.

Phương tiện vận tải phải có trang bị che chắn chống gây bụi, rơi vãi, bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi tham gia giao thông.

Địa điểm, vị trí các cảng và bến xuất than, nhận than phải phù hợp với quy hoạch bến cảng của địa phương, có kho chứa than, có trang thiết bị bốc rót lên phương tiện vận tải đảm bảo an toàn, có biện pháp bảo vệ môi trường.

Kho trữ than, trạm, cửa hàng kinh doanh than phải có ô chứa riêng biệt để chứa từng loại than khác nhau; vị trí đặt phải phù hợp với quy hoạch xây dựng của địa phương, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, trật tự an toàn giao thông theo quy định hiện hành. Đối với than tự cháy phải có biện pháp, phương tiện phòng cháy – chữa cháy được cơ quan phòng cháy – chữa cháy địa phương kiểm tra và cấp phép.

Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nhân viên trực tiếp mua bán than, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ kinh doanh than phải có chứng chỉ hành nghề được cấp theo các quy định hiện hành.

4. Doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh than có nguồn gốc hợp pháp.

Xử phạt hành vi kinh doanh, mua bán, tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc

Trước thực trạng khai thác khoáng sản nói chung và than nói riêng không phép diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái, đời sống người dân … nhiều văn bản pháp luật liên quan đến khoáng sản, nhất là chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản ra đời, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, bảo đảm an ninh trật tự liên quan đến việc khai thác khoáng sản.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ có quy định: Đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp bị xử phạt thấp nhất là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với khoáng sản có giá trị dưới 1.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với khoáng sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên; đồng thời tịch thu tang vật vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang