Kinh tế tuần hoàn: Cơ hội tiếp cận thị trường lên tới 4.500 tỷ USD

author 13:48 12/09/2019

(VietQ.vn) - TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường.

Sự kiện: Kinh doanh

Chia sẻ tại hội thảo "Vì một thập niên phát triển bền vững hơn" với chủ đề 1: "Phát triển kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020 - 2030, mô hình tăng trưởng liên ngành ưu Việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên liệu", TS. Nguyễn Hoàng Nam, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhận định mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường.

Dẫn chứng nghiên cứu của Accenture Strategy, TS. Nguyễn Hoàng Nam cho biết mô hình kinh tế tuần hoàn có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD và tạo ra hàng triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới vào năm 2030. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang triển khai hướng tới kinh tế tuần hoàn trong tổ chức.

Toàn cảnh chuyên đề 1: "Phát triển kinh tế tuần hoàn trong thập kỷ 2020 - 2030, mô hình tăng trưởng liên ngành ưu Việt và sự cải biến trong nguyên lý thiết kế, sử dụng nguyên liệu". Ảnh: T.N

Dù khái niệm này dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn hạn chế, chủ yếu áp dụng ở các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đứng trước cơ hội từ thị trường có giá trị lên tới 4.500 tỷ USD, Chính phủ Việt Nam đã có động thái tích cực. Từ năm 2016, Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025, có thể đáp ứng được các nội dung của nền kinh tế tuần hoàn.

Theo TS. Nguyễn Hoàng Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều vai trò đối với ngành. Ví dụ ngành nông nghiệp: mô hình chăn nuôi bò Mộc Châu thu hồi khí và phân; sản phẩm thủ công từ chất thải trồng trọt, mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm…).

Tuy nhiên, theo TS Nam hiện nay việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn vẫn còn hạn chế. Do đó, ông đề xuất mọi người cần hiểu rõ hơn về kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện pháp luật và chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn và áp dụng vào thực tiễn gắn với công nghệ 4.0. 

TS Nam kết luận, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực của môi trường.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang