Lâm Đồng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển năng lượng sạch, sản xuất xanh

(VietQ.vn) - Trong 5 năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển năng lượng sạch, góp phần chuyển đổi sản xuất, bảo vệ môi trường và tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm chi phí nhờ ứng dụng công nghệ trong CMCN 4.0
Trung Quốc dự kiến ban hành tiêu chuẩn về quy cách an toàn sản xuất nhôm và hợp kim nhôm
Thúc đẩy doanh nghiệp gia nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh trong kỉ nguyên mới
Ngành thực phẩm trước xu hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển năng lượng sạch
Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị với định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã triển khai hàng loạt hoạt động trọng điểm nhằm ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, cụ thể là chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Qua đó, các doanh nghiệp địa phương không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và mở ra mô hình kinh tế xanh bền vững.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 6 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp huyện trong lĩnh vực năng lượng với tổng kinh phí đạt 2,25 tỷ đồng. Một trong những dự án tiêu biểu là mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp với điện lưới để chiếu sáng công cộng và triển khai hệ thống cảnh báo giao thông tại các huyện như Đạ Tẻh (nay là huyện Đạ Huoai) và Bảo Lâm. Mô hình này đã giúp tạo ra nguồn năng lượng sạch để hỗ trợ các dịch vụ công cộng, giảm phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống và cải thiện an toàn giao thông.
Hệ thống cảnh báo giao thông ứng dụng năng lượng mặt trời tại thị trấn Đạ Tẻh mang lại hiệu quả. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Trong sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án chuyển giao khoa học công nghệ đã giới thiệu các mô hình ứng dụng năng lượng sạch vào tưới tiêu, bón phân, xử lý đất và nước. Ví dụ, hệ thống tưới nước, bón phân dùng năng lượng mặt trời cho vườn cây ăn trái tại huyện Đạ Tẻh đã giúp tối ưu hóa nguồn nước và dưỡng chất cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất. Công nghệ bọt khí Nano Ozone được ứng dụng tại huyện Đơn Dương nhằm xử lý đất, nước, ngăn chặn sự phát triển của nấm côn và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, các mô hình chăm sóc vườn cây ăn trái và quy trình trồng hoa hồng ứng dụng IoT đã mang lại sự giám sát chặt chẽ về các thông số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, pH và EC, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng thời giảm thiểu lãng phí năng lượng.
Đồng thời, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cũng tích cực hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất năng lượng và mức hiệu suất năng lượng tối thiểu cho thiết bị, phương tiện tiêu thụ năng lượng. Chương trình hỗ trợ tư vấn và chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 50001 hoặc các hệ thống quản lý năng lượng khác đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất năng lượng, hướng tới một nền kinh tế tiết kiệm và bền vững. Các chương trình này cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 100% giá trị hợp đồng tư vấn và chứng nhận, giúp doanh nghiệp dễ dàng chuyển giao và áp dụng công nghệ mới mà không gặp áp lực vốn đầu tư lớn.
Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất xanh
Không dừng lại ở việc triển khai các dự án công nghệ, các doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất sang sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế tuần hoàn. Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods) là một ví dụ tiêu biểu khi bã thải sau xử lý nguyên liệu cho sản xuất rượu vang được tái chế thành phân bón cho vườn nho của doanh nghiệp. Thêm vào đó, hệ thống súc rửa chai tự động được đầu tư với mục tiêu giảm tới 30% lượng nước sử dụng, cùng với hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m³/ngày đêm đã góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường ngay từ giai đoạn đầu vận hành nhà máy.
Trong lĩnh vực sản xuất bia, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Lâm Đồng đã xây dựng hệ thống sản xuất “4 giảm” bao gồm giảm thiểu lượng nước sử dụng, giảm nước thải, tiêu hao điện năng và giảm phát thải khí thải. Tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, doanh nghiệp này không chỉ đầu tư dây chuyền sản xuất tự động mà còn áp dụng các giải pháp như lấy gió tự nhiên, lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời áp mái nhằm giảm tiêu thụ điện năng. Những cải tiến này giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và góp phần giảm tải trọng cho nguồn điện trong bối cảnh nguyên liệu năng lượng truyền thống ngày càng khan hiếm.
Một số doanh nghiệp khác như Nhà máy kéo Sợi len lông cừu Đà Lạt – thành viên Tập đoàn Suedwolle và Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Đà Lạt Tự Nhiên tại huyện Đức Trọng cũng đã đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, Nhà máy kéo tại Đà Lạt đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái, góp phần giảm sử dụng điện lưới, còn Công ty Đà Lạt Tự Nhiên sau khi quy hoạch lại hệ thống máy móc, đã giúp tiết kiệm được trên 30% năng lượng tiêu hao như điện, nước, từ đó tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Sản xuất đảm bảo giảm phát thải môi trường. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và cạnh tranh ngày càng gay gắt, xu hướng “xanh hóa” sản xuất không chỉ là nhu cầu bức thiết mà còn là lợi thế chiến lược của các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng sạch. Việc chuyển giao công nghệ tiên tiến, đổi mới trang thiết bị và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia đã góp phần tạo ra một chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn, khi mà chất thải được xem như nguyên liệu đầu vào cho các ngành khác, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Để hướng tới tương lai phát triển bền vững, bà Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng khẳng định, các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng các hệ thống quản lý năng lượng hiện đại sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Các dự án ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng sạch, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu chất thải đang dần được phổ biến, góp phần tạo nên một mô hình phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
Qua quá trình thực hiện các chính sách và dự án năng lượng sạch, tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể trong chuyển đổi sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ. Những bước tiến này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường mà còn tạo ra mô hình tiêu biểu cho sự phát triển năng lượng xanh ở địa phương, góp phần hiện thực hóa định hướng phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Duy Trinh (t/h)