Thực phẩm chức năng không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, tránh lầm tưởng

author 06:14 11/11/2022

(VietQ.vn) - Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhiều thực phẩm chức năng như dầu cá, sterol thực vật, tỏi và quế không giúp giảm cholesterol xấu hay cải thiện sức khỏe tim mạch.

Thực phẩm chức năng tốt cho tim mạch là giải pháp được rất nhiều người bệnh tìm kiếm trong quá trình điều trị để làm giảm khó thở, mệt mỏi, đau ngực nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nỗi bất an về các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra như đột quỵ.

Giữa hàng trăm loại thực phẩm chức năng hỗ trợ tim mạch với chất lượng “vàng thau lẫn lộn”, không tìm hiểu kỹ và không biết cách lựa chọn, nhiều người bệnh đã bị tiền mất tật mang.

Thậm chí, theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, nhiều thực phẩm chức năng như dầu cá, sterol thực vật, tỏi và quế không giúp giảm cholesterol xấu hay cải thiện sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu này được trình bày tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (2022), đồng thời được công bố trên tạp chí của Cao đẳng Tim mạch Mỹ.

Các nhà nghiên cứu so sánh ảnh hưởng của 6 loại thực phẩm chức năng với ảnh hưởng của statin liều thấp (thuốc giảm cholesterol) hoặc giả dược. Các nhà nghiên cứu so sánh những ảnh hưởng này trong thử nghiệm lâm sàng mù đơn và ngẫu nhiên với sự tham gia của 190 người trưởng thành không có tiền sử bệnh tim mạch.

Nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, thực phẩm chức năng không giúp cải thiện sức khỏe tim mạch tránh lầm tưởng. Ảnh minh họa

Người tham gia ở độ tuổi 40-75 và được chia thành nhiều nhóm. Mỗi nhóm sử dụng những chất khác nhau gồm statin liều thấp được gọi là rosuvastatin, giả dược, dầu cá, quế, tỏi, nghệ, sterol thực vật hoặc men gạo đỏ trong vòng 28 ngày.

Kết quả cho thấy statin có ảnh hưởng lớn nhất, làm giảm đáng kể LDL cholesterol so với chất bổ sung và giả dược. Trong vòng 28 ngày dùng statin, LDL cholesterol của người tham gia trung bình giảm gần 40%, cholesterol toàn phần trung bình giảm 24% và chất béo trung tính giảm 19%.

Không ai trong số những người dùng thực phẩm chức năng ghi nhận giảm LDL cholesterol, cholesterol toàn phần hoặc chất béo trung tính. Người dùng giả dược cũng có kết quả tương tự. Mặc dù tác dụng có hại của thuốc xảy ra ở tất cả nhóm tham gia, số lượng tình trạng xảy ra ở người dùng sterol thực vật hoặc men gạo đỏ cao hơn.

Tiến sĩ Karol Watson, đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Y khoa/tim mạch, đồng Giám đốc Chương trình Tim mạch Dự phòng của Đại học California tại Los Angeles, cho biết: “Chúng tôi tiến hành nghiên cứu này vì nhiều người trong chúng tôi đã cố gắng giới thiệu các liệu pháp đáng tin cậy giúp giảm nguy cơ tim mạch cho bệnh nhân nhưng chỉ nhận lại lời từ chối. Họ thích dùng thực phẩm chức năng hơn".

Tiến sĩ Steven Nissen, nhà nghiên cứu, bác sĩ chuyên khoa tim tại Phòng khám Cleveland, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ bệnh nhân thường không biết thực phẩm chức năng không trải qua thử nghiệm lâm sàng. 

Tại Mỹ, Đạo luật Giáo dục Sức khỏe và Thực phẩm chức năng năm 1994 đã hạn chế đáng kể việc quản lý thực phẩm chức năng của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Không giống như dược phẩm phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho mục đích sử dụng mới được tung ra thị trường, thực phẩm chức năng không cần FDA phê duyệt trước khi bày bán. Chỉ sau khi chúng có mặt trên thị trường và cho thấy không an toàn, FDA mới vào cuộc để giải quyết.

Tiến sĩ Nissen nói: “Bệnh nhân tin tưởng các nghiên cứu đã tiến hành và chúng có hiệu quả tương tự statin cũng như có thể cứu họ nhờ vào tính tự nhiên. Nhưng tự nhiên không có nghĩa là an toàn và hiệu quả”.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận một số hạn chế bao gồm số người tham gia ít và thời gian nghiên cứu ngắn khiến thực phẩm chức năng không phát huy hết tác dụng so với khi dùng trong thời gian dài.

Trong tuyên bố mới đây nhất, Hội đồng Dinh dưỡng Có trách nhiệm cho biết: “Thực phẩm chức năng không nhằm mục đích thay thế thuốc hoặc các phương pháp điều trị y tế khác. Chúng không nhằm mục tiêu cải thiện nhanh chóng và tác dụng có thể không được tiết lộ trong quá trình nghiên cứu chỉ kéo dài 4 tuần”, Andrea Wong, Phó chủ tịch cấp cao về các vấn đề khoa học và quy định của nhóm nghiên cứu, cho biết trong tuyên bố.

Tiến sĩ Amit Khera, Giám đốc khoa Tim mạch dự phòng tại Trung tâm Y tế Tây Nam thuộc Đại học Texas, Dallas, người không thực hiện nghiên cứu, cho biết ông nghĩ đây là nghiên cứu quan trọng để đưa vào các bài thuyết trình năm nay.

“Tôi chăm sóc bệnh nhân hàng ngày và họ luôn hỏi về các thực phẩm chức năng thay thế statin. Tôi nghĩ nếu có bằng chứng thuyết phục và nghiên cứu chỉn chu, việc truyền đạt cho bệnh nhân hiểu rõ về sự cần thiết hay trong trường hợp này, sự không cần thiết của một số thực phẩm chức năng giảm cholesterol, là quan trọng", tiến sĩ Khera nói.

“Statin mang lại hiệu quả cho người sử dụng. Điều đó không có nghĩa là chúng hoàn hảo và mọi người đều cần nó. Nhưng đối với người có nguy cơ cao hơn, statin có hiệu quả với họ và điều này đã được chứng minh”, ông Khera nói.

Tiến sĩ Khera cho biết ông thường thấy thông tin sai lệch về thực phẩm chức năng trên mạng. “Tôi nghĩ mọi người luôn tìm kiếm thứ gì đó ‘tự nhiên’ nhưng có rất nhiều vấn đề với thuật ngữ này. Điều quan trọng nhất chúng ta nên tìm hiểu là liệu chất này có hiệu quả. Đó là những gì nghiên cứu này thực hiện. Bạn có dùng thực phẩm chức năng nào đã qua thử nghiệm và nếu bạn đang dùng, liệu nó có thể thay cho phương pháp điều trị đáng tin cậy? Đây là mối quan tâm thực sự", tiến sĩ Khera nói.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang