Cần chế tài xử lý triệt để nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh 'dởm'

author 13:53 04/11/2022

(VietQ.vn) - Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế xử lý triệt để hành vi nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh sai sự thật.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) quan tâm đến Điều 15 về “Quyền lợi của người tiêu dùng”. Theo đại biểu, chúng ta cần bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả. Bởi chúng ta mua phải giá cả “trên trời”, khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh cũng đóng góp ý kiến tại Điều 18 về “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ông Khánh cho rằng, ý này rất chung chung và nên chăng chúng ta có cần làm rõ hay không? Bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.

“Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra”, ông nhấn mạnh. Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.

 Ảnh minh hoạ

Còn đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) quan tâm đến đối tượng người cao tuổi. Hiện nay người cao tuổi là người bị tổn thương nhiều nhất bởi các sản phẩm về chữa bệnh. “95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, cho nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn”, đại biểu nói.

Về dịch vụ đối với người tiêu dùng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đưa ra quyền và trách nhiệm rất nhiều, nhưng quyền rõ nhất là quyền được tư vấn thì hầu như không có người tư vấn rằng sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt… Nếu không có người tư vấn, người tiêu dùng không hiểu biết gì thì rất khó bảo vệ được. Hiện các đơn vị tư nhân sản xuất rất nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ đông y đến tây y, trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào thì chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm.

“Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu nhưng không được tư vấn cẩn thận người tiêu dùng có thể mua phải hàng không chuẩn (giá chỉ 4 triệu mà phải mua với giá vài trăm triệu). Cho nên, cần cho người tiêu dùng được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu”, ông Cừ nói.

Được biết, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 7 Chương, 80 Điều. Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bám sát 07 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2021. Các nhóm chính sách này đồng thời cũng bám sát các nhiệm vụ, giải pháp theo yêu cầu của Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã bổ sung thêm Chương mới về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó, hoàn thiện các quy định về giao dịch từ xa, cung cấp dịch vụ liên tục và bổ sung, hoàn thiện quy định về bán hàng trực tiếp phù hợp với môi trường kinh doanh và tiêu dùng trong thời kỳ phát triển kinh tế số.

Bổ sung thêm quy định mới về hợp tác quốc tế trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong đó, đưa ra các nguyên tắc hợp tác, phạm vi hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã khoanh vùng khái niệm người tiêu dùng theo hướng bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng để chính xác người tiêu dùng là các cá nhân thực hiện giao dịch vì mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân và gia đình. Cách xác định này giúp cơ quan, tổ chức thuận lợi trong việc thực thi các quy định, tránh tranh cãi, sự không thống nhất trong cách hiểu giữa các chủ thể.

Bên cạnh đó, cách giải thích này giúp tập trung nguồn lực để giải quyết các yêu cầu, khiếu nại liên quan đến cá nhân mà không phải phân tán vào việc bảo vệ nhóm người tiêu dùng là tổ chức, vốn có đầy đủ khả năng sử dụng các công cụ hỗ trợ hiệu quả khác như pháp luật cạnh tranh, pháp luật về thương mại. Dự thảo cũng nhấn mạnh một đối tượng áp dụng của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, những tổ chức này có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các quyền lợi người tiêu dùng.

Mặt khác, dự thảo cũng mở rộng đối tượng áp dụng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà không giới hạn chỉ là các chủ thể liên quan đến hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang