Lạng Sơn: Thu giữ lượng lớn chân gà không rõ nguồn gốc

author 19:30 08/08/2024

(VietQ.vn) - Mới đây, Tổ công tác Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma tuý, Công an huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) phối hợp Công an xã Tân Minh đã phát hiện và thu giữ 1.116kg chân gà không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, tổ công tác phát hiện một nhóm gồm 6 người đàn ông đứng cách hàng rào biên giới khoảng 5m, bên cạnh có nhiều bao tải dứa màu nâu. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra xác minh tại hiện trường gồm; 38 bao tải chân gà đã qua sơ chế, không có giấy tờ hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tổng trọng lượng là 1.116 kg. Tổ công tác đã yêu cầu 6 đối tượng trên cùng phương tiện và toàn bộ tang vật về trụ sở Công an xã Tân Minh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn để làm rõ sự việc

Qua xác định nhân thân gồm: Trần Văn Thương, trú tại Thôn 1, xã Đào Viên; Trịnh Văn Định, Triệu Hà Mạnh, Đàm Văn Bắc, Hứa Văn Hoàng, Hứa Văn Anh cùng trú tại thôn 2 xã Tân Minh. Qua đấu tranh các đối tượng đã khai nhận được chủ hàng thuê vận chuyển số hàng hóa trên tập kết tại đây để xuất lậu sang Trung Quốc với tiền công là 1,5 triệu đồng. Hiện lực lượng chức năng điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực phẩm nhập lậu bị cơ quan chức năng thu giữ.

Liên quan tới thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng, theo nhận định của Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, thực tế, gần như hằng năm đều có các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm với quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng bị phát hiện, gây hoang mang dư luận, chưa kể các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng tràn lan trên thị trường mà chưa được kiểm soát hiệu quả. Những loại thực phẩm này có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết.

Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng.

Việc đưa thực phẩm bẩn ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả. Do đó, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.

Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của thực phẩm bẩn cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức.

Cẩm Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang