Lào Cai phát hiện 54.000 kẹo đồ chơi trẻ em không rõ xuất xứ

author 16:06 22/08/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng QLTT tỉnh Lào Cai vừa phát hiện 54.000 kẹo đồ chơi trẻ em được chứa trong 45 thùng cát tông bao bì ghi chữ nước ngoài, không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.

Sau khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân về việc phát hiện lô thùng cát tông được đóng trong các bao tải dứa màu đen nghi bên trong có chứa hàng hóa đang tập kết tại khu vực Tổ 11, đường Trần Đại Nghĩa, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Lào Cai tiến hành xác minh và khám đồ vật theo thủ tục hành chính đối với lô hàng hóa nói trên.

Kết quả khám toàn bộ lô hàng phát hiện bên trong các thùng cát tông chứa kẹo đồ chơi trẻ em, toàn bộ số kẹo đồ chơi trẻ em, với tổng số 54.000 cái, được chứa trong 45 thùng cát tông, đóng trong 21 bao tải dứa màu đen; nhãn và bao bì ghi chữ nước ngoài, không thể hiện xuất xứ của hàng hóa.

Tại thời điểm khám chủ sở hữu lô hàng là ông Lương Anh Tùng sinh ngày 29/3/1988; Quê quán: Phúc Ứng, Sơn Dương, Tuyên Quang; Nơi thường trú: TDP Đăng Châu, Sơn Dương, Sơn Dương, Tuyên Quang là chủ sử hữu lô hàng hóa nêu trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của lô hàng theo quy định; không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Lào Cai phát hiện lượng lớn kẹo đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Cục QLTT Lào Cai

Liên quan tới kẹo đồ chơi, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đối với sản phẩm kẹo đồ chơi không rõ nguồn gốc khi dùng sẽ không đảm bảo an toàn. Để có thể nhận định chính xác thì cần phải phân tích mẫu một cách chi tiết. Nhưng dù có hóa chất độc hay không, thì loại kẹo đồ chơi không rõ nguồn gốc vẫn được khuyến cáo không nên dùng cho trẻ em vì có thể gây nguy hiểm.

Về vấn đề này, mới đây Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng phát đi cảnh báo về việc bánh kẹo nhập lậu, không rõ xuất xứ dịp Tết Trung thu 2023.

Theo Cục An toàn thực phẩm, dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng ban Ban Quản lí An toàn thực phẩm các tỉnh/TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm.

Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố….

Kịp thời truy xuất, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm: thực hiện quy định pháp luật về an toàn thực phẩm quy định điều kiện cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, yêu cầu về kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về đăng kí bản công bố, tự công bố sản phẩm, sử dụng phẩm màu, hương liệu, phụ gia, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm.

Đối với người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các địa phương hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để sẵn sàng cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang