Làng Ném Thượng bức xúc nếu phải bỏ lễ hội chém lợn

author 04:58 31/01/2015

(VietQ.vn) - Trước đề nghị chấm dứt lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, nhiều cao niên trong làng đã lên tiếng phản đối và vẫn họp bàn để tổ chức lễ hội theo lịch hằng năm.

Theo những tin tức mới nhất trên báo VnExpress, dân làng Ném Thượng không đồng ý trước đề xuất cần bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh bởi cho rằng, đây là một cách để giáo dục con cháu về truyền thống anh dũng, bất khuất, tinh thần đoàn kết chống giặc khi xưa của đội quân do Lý thành hoàng làng lãnh đạo. Tục nuôi lợn tế thánh còn khuyến khích người dân chăn nuôi để có những 'ông ỉn' tốt, những bậc cao niên trong làng cho hay.

Dân làng Ném Thượng phản đối đề xuất bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh

Dân làng Ném Thượng phản đối đề xuất bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Ảnh VnExpress

Kể về nguồn gốc lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, ông Trần Văn Hân (67 tuổi, dân làng Ném Thượng) tự hào bảo, tục chém lợn có truyền thống từ mấy trăm năm, gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý tên Đoàn Thượng khi đánh trận đã trốn trên núi Nghè, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây thoát ra. Những đời vua Trần sau này vẫn tôn vinh, ghi nhận công lao của Đoàn Thượng khi bao lần phò vua Lý chống giặc ngoại xâm.

Theo lời ông Hân, nhà nào được dân làng chọn cho chăm nuôi "cụ ỉn" đều tự hào lắm. Ông Hân giọng trầm buồn khi kể chuyện người cháu của mình thắc mắc "sao 2 năm nay không chém lợn nữa". Ông bảo không hiểu vì lý do gì từ năm 2012, lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hoá  Bắc Ninh không cho tổ chức tục lệ này ở sân đình. Thay vì chém "cụ ỉn", nay người làng Thượng chỉ khai đao trước sân đình, rồi lui vào hậu cung 5-7 người sẽ chọc tiết, mổ thịt lấy khoanh cổ "cụ ỉn" tế thánh.

Từng nhiều năm là Phó ban tổ chức lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, chỉ huy khai đao, ông Nguyễn Đình Lợi (61 tuổi) cho rằng chém lợn là phong tục truyền thống gợi về cái đẹp, khí thế hào hùng của Lý thành hoàng xưa nên người dân làng Thượng ai cũng muốn giữ. Tuy nhiên, cá nhân ông thấy hình ảnh "máu chảy, đầu rơi" diễn ra vào đầu năm chưa hợp lý, nhất là khi tổ chức trước sự chứng kiến của nhiều người, cả trẻ nhỏ. Ông Lợi ủng hộ việc thay đổi chém lợn ở hậu cung, tuy nhiên, lễ hội nhất định phải giữ lại.

Cuộc tranh cãi xung quanh việc nên hay không bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đang diễn ra gay gắt

Cuộc tranh cãi xung quanh việc nên hay không bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh đang diễn ra gay gắt. Ảnh ĐSPL

Trước ý kiến của Tổ chức Động vật châu Á về việc lễ hội chém lợn ảnh hưởng không tốt đến người trẻ, Nguyễn Văn Cường (24 tuổi) cho biết, bạn bè mình đã nhiều lần được xem tục lệ đó nhưng không "có vấn đề gì". Cường cho rằng, so với một số lễ hội khác như chọi trâu (Hải Phòng), đâm trâu (Tây Nguyên) và đặc biệt những gì mình và bạn bè có thể tìm thấy trên Internet, hình ảnh chém lợn trong lễ hội của làng "không thấm tháp gì".

Như tin tức đã đưa trên báo Đời Sống Pháp Luật trước đó, Tổ chức Động vật Châu Á đã phát động chiến dịch gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi chấm dứt Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Theo Tổ chức Động vật Châu Á, lễ hội chém lợn của xã Ném Thượng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh là lễ hội tàn bạo nhất ở Việt Nam, gây ra không ít những tác động tiêu cực về nhiều mặt như ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động tới kinh tế xã hội.

Lý giải về này, ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á cho biết trên báo Vnexpress: “Chúng tôi phản đối lễ chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. Ngoài ra, một lễ hội văn hóa là dịp để nhiều người, nhiều thế hệ tham gia thay vì giới hạn. Vì vậy địa phương nên chắt lọc chương trình mang tính văn minh và nhân đạo để truyền bá truyền thống tốt đẹp.

Theo một số ý kiến, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh là lễ hội tàn ác bậc nhất cần được hủy bỏ

Theo một số ý kiến, lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh là lễ hội tàn ác bậc nhất cần được hủy bỏ. Ảnh Zing

Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.”

Trao đổi trên Zing News, ông Phan Ðình Tân - Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ VH-TT&DL cho biết: “Bộ VH-TT&DL không ủng hộ những hành vi có tính chất bạo lực, man rợ tại các lễ hội như lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh. Còn với trường hợp lễ hội chọi trâu Ðồ Sơn đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên Bộ tôn trọng truyền thống của người dân địa phương, nhưng bộ không khuyến khích tuyên truyền, quảng bá lễ hội này.”

Bàn về việc nên giữ hay bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), cơ quan trực tiếp quản lý chung các hoạt động lễ hội trên cả nước cho rằng với từng lễ hội cụ thể, cần phải tổ chức những hội thảo nghiên cứu khoa học để những nhà nghiên cứu văn hóa đưa ra căn cứ cụ thể, đồng thời phải lấy ý kiến của người dân ở các địa phương tổ chức lễ hội đó nhằm có sự nhìn nhận nhiều chiều, khách quan về các hoạt động lễ hội ở địa phương đó.

Minh Thùy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang