Lộ trình nào giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công?

author 15:37 24/06/2019

(VietQ.vn) - Chuyên gia cho rằng để chuyển đổi số thành công cần phải theo lộ trình cụ thể và thành viên chủ chốt trong doanh nghiệp cần nhận thức sâu sắc về nhu cầu chuyển đổi số.

Theo TS Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ VINASA VSTI, chuyển đổi số là tự thay đổi để trở nên thông minh hơn, hiệu quả hơn như thay đổi về tư duy, thay đổi cơ cấu sản phẩm và dịch vụ, quy trình hoạt động, cơ cấu tổ chức…

Ông Quang cho rằng, trong chuyển đổi số, dữ liệu (bao gồm cả ghi nhận, thu thập, tích lũy và khai thác) sẽ đóng vai trò trung tâm. “Không có dữ liệu thì không có trí tuệ nhân tạo (AI), không có AI thì hệ thống không thể đủ thông minh để cạnh tranh trong tình hình mới” – ông Quang nói.

Do đó, để chuyển đổi số thành công cần phải theo lộ trình cụ thể trong đó có 3 bước cơ bản. Trước hết, cần nhận thức về nhu cầu chuyển đổi số. Nhận thức này phải thấm đến các thành viên chủ chốt trong doanh nghiệp.

Thứ hai, chiến lược dữ liệu phải chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống thông tin của một doanh nghiệp thông minh. "Chiến lược dữ liệu phải bao gồm một bản thiết kế tổng thể hạ tầng dữ liệu, phân rõ trách nhiệm quản lý và khai thác dữ liệu trong công ty cũng như trình tự xây dựng hạ tầng dữ liệu này", ông Quang nhấn mạnh.

Thứ ba, phải mô tả tường minh các quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Các quy trình hiện tại sau đó phải thiết kế lại theo hướng tự động hóa tối đa các bước trên cơ sở sử dụng dữ liệu để ra quyết định, đồng thời tích hợp việc thu thập, cập nhật dữ liệu vào hạ tầng dữ liệu. Hệ thống điều hành doanh nghiệp cũng được số hóa sao cho việc tuân thủ quy trình trở nên dễ dàng và không tốn thời gian.

Cũng theo đại diện VINASA, các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), đám mây (Cloud)... nghe có vẻ cao xa nhưng thực ra đã sẵn sàng và không đắt đỏ như một số doanh nghiệp nghĩ. "Mọi con đường dù dài đến đâu cũng bắt đầu bằng các bước nhỏ. Bước đầu tiên có lẽ là sắp xếp lại dữ liệu bạn có. Trong chuyển đổi số, dữ liệu, bao gồm cả ghi nhận, thu thập, tích lũy và khai thác, sẽ đóng vai trò trung tâm. Không có dữ liệu thì không có AI, không có AI thì hệ thống không thể đủ thông minh để cạnh tranh trong tình hình mới”, ông Quang nhấn mạnh.

Muốn chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần hoạch định một lộ trình cụ thể. Ảnh minh họa 

Đồng quan điểm trên, ông Lê Công Hiếu, chuyên viên tư vấn của Công ty FSI cho biết, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thành công trong quá trình chuyển đổi số như Airbnb kết nối người cần thuê phòng với người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua điện thoại di động. Tài sản quan trọng nhất của Airbnb, Uber hay Foody... đều là dữ liệu.

Chuyển đổi số là quá trình xây dựng hạ tầng số của doanh nghiệp với đầy đủ các yếu tố: thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng, pháp lý, nhân lực. Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao mà có thể đi từng bước nhỏ nhưng đem lại hiệu quả cao.

"Mỗi doanh nghiệp có thể biến mình từ doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số, từ văn phòng chất chồng đầy hồ sơ, tài liệu thành văn phòng không giấy tờ, thông qua việc sử dụng các máy scan để số hóa tài liệu, tạo dựng được cơ sở dữ liệu số cho doanh nghiệp", ông Hiếu nhận định.

Ông cho biết thêm, “dữ liệu” được xem là tài sản và năng lượng của doanh nghiệp và việc chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất lao động, thay đổi cách thức, cơ cấu làm việc và tạo ra một nền kinh tế số.

Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia; thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện trên tất cả các mặt của cuộc sống xã hội, từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh, đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp...

Ông Thắng dẫn nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore) cho biết, kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia) cho thấy, GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu Việt Nam chuyển đổi số thành công.

Thứ trưởng Thắng cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chủ động tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số và tham gia xây dựng các yếu tố nền tảng cho kinh tế số.

Về phía Chính phủ, chủ động nghiên cứu và xây dựng các chính sách để Việt Nam có thể nhanh chóng khai thác các lợi ích tiềm năng này. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang thực hiện nhiệm vụ xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có các chính sách phát triển kinh tế số.

Trước đó, phát biểu tại “Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019”, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ TT&TT soạn thảo. Theo dự thảo lần một, phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với DN, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022 - 2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.

Trong đó, đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công sẽ ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, DN với cơ quan quản lý là trên môi trường số hóa. Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp. Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, dự thảo đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP.

Bảo Lâm

Chuyển đổi số ngân hàng: Làm sao lấy niềm tin, thói quen của khách hàng?(VietQ.vn) - “Điều quan trọng nhất khi chuyển đổi số ngân hàng là niềm tin, thói quen khách hàng?”, ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc cao cấp Phát triển kinh doanh dịch vụ ngân hàng số VPBank chia sẻ.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang