Nhận diện chiêu tạo Fanpage giả mạo gắn tích xanh để lừa đảo
8 bước triển khai công cụ chuyển đổi nhanh tại doanh nghiệp
TCVN 8685-41:2023 về quy trình kiểm nghiệm vắc xin phòng bệnh viêm khớp do avian reovirrus ở gà
Đến năm 2030 xe điện phải chiếm 1/3 để góp phần giảm phát thải khí nhà kính
Theo Tập đoàn Công nghệ Bkav, một trong những kịch bản lừa đảo của kẻ xấu là tạo ra các fanpage giả mạo "Cục An ninh", “Bộ Công an”, giao diện giống hệt trang thật và đăng nội dung cảnh báo lừa đảo kèm lời hứa giúp lấy lại tiền bị lừa, giải quyết vấn đề pháp lý...
Do có tích xanh, nhiều người từng bị lừa mất tiền hay tài khoản mạng xã hội tin tưởng liên hệ các trang này tìm trợ giúp và bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và hướng dẫn chuyển tiền “làm thủ tục”. Kết quả, họ lại tiếp tục bị mất tiền.
Các chuyên gia Bkav cho biết, không khó để kẻ xấu có được tích xanh cho các tài khoản giả mạo. Chúng có thể lợi dụng lỗ hổng trong quy trình xác thực của Facebook hoặc dùng nhiều thủ đoạn khác như: mua tích xanh từ chợ đen, tấn công chiếm đoạt tài khoản sau đó đổi nội dung thành trang giả mạo hoặc dùng dịch vụ “xác thực thuê”...
Theo đó, không chỉ cắt ghép nội dung, lợi dụng hình ảnh từ cơ quan chức năng, kẻ gian còn liên tục chạy quảng cáo lừa đảo dội bom người dùng. Những nội dung lừa đảo như "thu hồi vốn bị treo", "thủ tục báo cáo của cảnh sát" được Facebook phân phối dưới hình thức quảng cáo, tài trợ để có thể tiếp cận nhiều người dùng hơn. Không dừng lại ở đó, kẻ gian còn tạo các fanpage lấy tên một số đơn vị của Bộ Công an như "Cục An ninh", "C02", sau đó dùng ảnh đại diện là công an hiệu. Nguy hiểm hơn, chúng còn lấy được tích xanh của Facebook cho những fanpage mạo danh. Điều này khiến người dân dễ mất cảnh giác, tin rằng đây là trang thông tin chính chủ của cơ quan chức năng, do đó sẽ dễ bị dẫn dụ hơn.
Tài khoản có tích xanh của "Cục An ninh" giả mạo cơ quan của Bộ Công an.
Nhằm tạo lòng tin với nạn nhân, các fanpage giả, có tích xanh này đăng tải các nội dung cảnh báo lừa đảo, khuyến cáo người dân nên khai báo cơ quan chức năng. Sau đó chúng cắt ghép hình ảnh để quảng cáo các dịch vụ như tiếp nhận hồ sơ có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản, hỗ trợ lấy lại tiền bị treo, thu hồi tiền lừa đảo... Đánh vào tâm lý, kẻ gian còn cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền.
Sau khi đã lấy được lòng tin, lừa người dùng nhắn tin hỗ trợ, các đối tượng tiếp tục dẫn dắt, hướng dẫn nạn nhân đăng nhập các đường link lạ, tải ứng dụng giả mạo nhằm đánh cắp thông tin tài khoản hoặc mã OTP, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Chiêu trò lừa đảo này khiến nhiều người đã bị lừa lại tiếp tục sập bẫy lần hai.
Theo ông Mai Thanh Phú, chuyên cung cấp các dịch vụ mạng xã hội, việc các fanpage lừa đảo có thể qua mặt Facebook để được cấp tích xanh vô cùng nguy hiểm. Chúng không chỉ đánh lừa được nạn nhân mà những trang giả mạo này còn khó bị báo cáo do đã được nền tảng "xác minh". Điều này dẫn đến thực trạng dù phát hiện dấu hiệu nghi ngờ và bị người dùng report (báo cáo), các trang Facebook giả mạo vẫn lộng hành.
Theo ông Phú có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc fanpage giả mạo nhưng vẫn có được tích xanh của Facebook. Không loại trừ trường hợp các đối tượng xấu đã mua những trang có sẵn tích xanh, sau đó đổi tên, ảnh đại diện để lừa đảo. Ngoài ra Facebook cũng cung cấp thêm dịch vụ "thuê tích xanh". Dù chưa khả dụng ở Việt Nam nhưng người dùng vẫn có nhiều cách để sử dụng dịch vụ với giá chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng. Khả năng thứ ba là kẻ gian đã làm giấy tờ giả để qua mặt hệ thống xét duyệt của Facebook.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân cần thận trọng và cảnh giác trước những trang Facebook giả mạo này. Tuyệt đối không liên hệ với các trang mạng xã hội quảng cáo dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", hay "thu hồi tiền lừa đảo".
Trước khi tin tưởng, hãy kiểm tra danh tính và độ uy tín của người hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Không truy cập vào các đường liên kết hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không thực hiện theo hướng dẫn và yêu cầu của đối tượng không rõ danh tính. Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân nhạy cảm như số CCCD, mã OTP, số tài khoản ngân hàng hay mật khẩu tài khoản,... dưới bất kỳ hình thức nào.
Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Thanh Hiền (t/h)