Vụ nữ hiệu trưởng thiệt mạng tại phòng khám tư nhân: Luật sư nói gì?

author 08:45 03/05/2018

(VietQ.vn) - Theo Luật sư Đặng Văn Cường, gia đình nữ hiệu trưởng chết bất thường tại một phòng khám tư trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để khám nghiệm, làm rõ nguyên nhân tử vong.

Ngày 29/4, BV đa khoa thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) cho biết, Khoa cấp cứu của bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân H’Nghin Niê (SN 1970) vào cấp cứu nhưng khi kiểm tra thì bệnh nhân đã tử vong trước đó nghi do bị sốc khi truyền nước. Trước đó, bệnh nhân đã được điều trị tại một phòng khám tư nhân.

Ths, Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ của bác sĩ, cơ sở y tế là khám chữa bệnh, cứu người. Tuy nhiên, không phải ai đi khám bệnh cũng khỏi. Việc bệnh nhân tử vong tại bệnh viện, cơ sở y tế là chuyện thường xuyên xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nếu nguyên nhân tử vong là do bệnh tật, các y bác sĩ đã cố gắng hết sức, áp dụng mọi biện pháp mà vẫn không cứu chữa được thì mọi rủi ro sẽ thuộc về bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Nếu nguyên nhân tử vong là do y bác sĩ, do cơ sở dịch vụ y tế (như phát nhầm thuốc, không tuân thủ quy trình về cấp phát thuốc, khám chữa bệnh... dẫn đến hậu quả bệnh nhân tử vong) thì người khám chữa bệnh, cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư nói gì về việc nữ hiệu trưởng thiệt mạng tại phòng khám tư ở Đắk Lắk?

Ths, Ls Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính pháp – Đoàn luật sư Hà Nội. 

Đối với vụ việc nữ hiệu trưởng chết bất thường tại Đắk Lắk thì cần phải kiểm tra để làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân để xem xét đến trách nhiệm của bác sĩ cũng như cơ sở dịch vụ y tế. Nếu theo phán đoán của bác sĩ, bệnh nhân chỉ đau dạ dày thì không thể có diễn biến bệnh lý và thiệt mạng dễ dàng như vậy được. Làm rõ nguyên nhân tử vong sẽ giúp bác sĩ và cơ sở y tế có thêm kinh nghiệm đồng thời làm rõ trách nhiệm pháp lý liên quan đến cái chết của bệnh nhân trong trường hợp này.

“Trong trường hợp này, gia đình bệnh nhân có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan công an vào cuộc để khám nghiệm, làm rõ nguyên nhân tử vong, từ đó mới có thể có những bước giải quyết tiếp theo liên quan tới trách nhiệm pháp lý” luật sư Cường cho biết.

Như Chất lượng Việt Nam online đã đưa tin trước đó, liên quan đến vụ nữ hiệu trưởng thiệt mạng tại phòng khám tư, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 6 963/SYT-KHNVY, ngày 30/4/2018 chỉ đạo Phòng Y tế thị xã Buôn Hồ khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc đồng thời đình chỉ hoạt động của phòng khám Bác sĩ An – Lan theo quy định. Đồng thời yêu cầu Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ, Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, Phòng Y tế thị xã Buôn Hồ báo cáo cụ thể trường hợp tử vong nêu trên.

Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Y, Sở Y tế đã chứng kiến buổi làm việc của Phòng Y tế thị xã Buôn Hồ về công tác thanh tra và đình chỉ ngay hoạt động của Phòng khám Bác sĩ An – Lan.

Phòng Kế hoạch Nghiệp vụ Y, sở Y tế đã làm việc với Bệnh viện đa khoa thị xã Buôn Hồ về trường hợp bệnh nhân tử vong (tử vong ngoại viện). Hiện nay, Công an thị xã Buôn Hồ đang thụ lý hồ sơ để giải quyết.

Luật sư nói gì về việc nữ hiệu trưởng thiệt mạng tại phòng khám tư ở Đắk Lắk?

 Một nữ hiệu trưởng chết bất thường tại Đắk Lắk.

Theo báo cáo trước đó, vào ngày 28/4, bà H’Nghin đến phòng khám chuyên khoa Nội – Nhi của bác sĩ Nguyễn Văn An – Niê Ngọc Lan (Phòng khám bác sĩ An – Lan) tại số 18/5 Nơ Trang Long (tổ dân phố 7, phường An Lạc) với triệu chứng đau vùng thượng vị.

Tại phòng khám, bác sĩ Ngọc Lan siêu âm và chẩn đoán viêm dạ dày, có kê đơn thuốc cho bà H’Nghin.

Đến 23h ngày 28/4, người nhà đưa bà H’Nghin quay lại phòng khám bác sĩ An – Lan với tình trạng mệt mỏi, suy yếu, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, ra mồ hôi.

Tại đây, bác sĩ An thấy bệnh nhân không sốt, tay chân lạnh, huyết áp 130/70mg, đau bụng, ăn uống kém. Do đó, bác sĩ An truyền Dextro và tiêm 5 ống Glucose 30%, khoảng 10-15 phút sau bệnh nhân khỏe, không còn mệt.

Đến 5h30 ngày 29/4, bệnh nhân được rút dịch truyền. Sau khi rút dịch ra, bà H’Nghin vẫn tỉnh táo, nói chuyện bình thường.

Ít phút sau đó, bệnh nhân xuất hiện khó thở, có bọt mép ở miệng, co giật nhẹ. Lúc này, bác sĩ xử lý bằng cách ép tim ngoài lòng ngực và tiêm 2 ống Adrenalin cách nhau 5 phút, đồng thời chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ.

Sau khi đến cấp cứu tại bệnh viện thị xã Buôn Hồ, bệnh nhân nhập khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn, đồng tử hai bên giãn, phản xạ ánh sáng âm tính và đã chết trước đó.

Hoàng Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang