Lưu ý các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN
Chiêu thức lừa đảo giả mạo sâm Việt Nam để trục lợi
Tái diễn nhiều chiêu thức lừa đảo quốc tế mới trong tuần qua
Ước tính cứ 220 người dùng smartphone thì có một người bị lừa đảo
Trẻ em ngày nay đang phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại và bóc lột tình dục ngày một gia tăng. Khu vực Đông Nam á, trong đó có Việt Nam tiếp tục là điểm đến mà các đối tượng phạm tội hướng tới để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục và bóc lột tình dục trực tiếp hoặc trên không gian mạng. Các đối tượng tội phạm lợi dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và không gian mạng vào mục đích phạm tội của mình, đó là các công nghệ: Mạng xã hội, các ứng dụng phát trực tuyến (live-streaming) trên các thiết bị thông minh, các địa chỉ chia sẻ video và các trang web đen… Không gian mạng vô hình trung trở thành môi trường mà các em bị xâm hại, bị bóc lột tình dục.
Theo thống kê của Trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, tính đến đầu năm 2024 tại Việt Nam có 78,44 triệu người dùng internet (chiếm 79,1% dân số). Năm 2021, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam có khoảng 27 triệu trẻ em dưới 18 tuổi sử dụng internet. Một số liệu khác của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số cho rằng gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet, hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm.
Những hình thức xâm hại trẻ em phổ biến
Xâm hại trẻ em trên mạng là một vấn đề ngày càng nghiêm trọng, với nhiều hình thức đa dạng và tinh vi. Theo đó, một số hình thức xâm hại phổ biến diễn ra trong thời gian gần đây bao gồm:
Bắt nạt qua mạng là một hình thức xâm hại tinh thần phổ biến nhất mà trẻ em phải đối diện khi tham gia các hoạt động trực tuyến. Trẻ em có thể bị bắt nạt thông qua tin nhắn thô lỗ, các bình luận có tính chất ác ý chế nhạo xúc phạm; phát tán thông tin sai sự thật, hình ảnh nhạy cảm; kẻ bắt nạt tạo các tài khoản giả mạo để tấn công nhân cách và danh dự của trẻ. Trẻ bị bắt nạt qua mạng thường rơi vào trạng thái lo lắng, căng thẳng, mất tự tin, xa lánh gia đình, bạn bè, người thân dẫn đến nguy cơ trầm cảm hoặc rối loạn hành vi, tâm lý, gây thiếu tập trung kết quả học tập sa sút, tự hủy hoại bản thân, thậm chí tự tử…
Phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Lạm dụng lòng tin là một hình thức xâm hại tinh vi khó phát hiện. Kẻ xấu giả danh làm bạn bè, người thân quen thường xuyên nói chuyện, chia sẻ sở thích sau khi đã có được sự tin tưởng, chúng bắt đầu yêu cầu trẻ thực hiện các hành vi không lành mạnh; hoặc giả danh người lớn, người có thẩm quyền như giáo viên, công an… tạo sự tin cậy, uy tín để ép buộc trẻ làm theo yêu cầu. Trẻ bị lạm dụng lòng tin có thể gặp các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như: mất niềm tin vào người khác, cảm giác bị phản bội, lo sợ mọi mối quan hệ đều tiềm ần nguy cơ bị xâm hại; một số trường hợp có thể rơi vào trạng thái lo lắng kéo dài, mất ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến học tập và các hoạt động khác.
Tấn công bằng phần mềm độc hại. Phần mềm độc hại có thể ẩn mình trong các đường dẫn, tệp đính kèm hoặc các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Sau khi cài đặt phần mềm hoặc mở đường dẫn phần mềm gián điệp có thể ghi lại các hoạt động của trẻ trên mạng như truy cập các trang web, tin nhắn, mật khẩu, thông tin tài khoản, làm hỏng thiết bị hoặc mã hóa các tệp rồi yêu cầu tiền chuộc để khôi phục quyền truy cập.
Gạ gẫm qua mạng là quá trình kẻ xấu tiếp cận, thiết lập mối quan hệ với trẻ thông qua mạng để đạt mục đích lợi dụng tình dục.
Tống tiền trực tuyến là hành vi mà kẻ xấu đe dọa, yêu cầu trẻ phải thực hiện một số hành động, cung cấp thông tin, tài sản của gia đình. Đồng thời đe dọa trẻ cấm tiết lộ thông tin, tài sản mà chúng đã chiếm đoạt.
Dấu hiệu cảnh báo trẻ đang có nguy cơ xâm hại trên không gian mạng
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ đang có nguy cơ đe dọa và xâm hại trên không gian mạng có thể kể đến như:
Thay đổi hành vi và tâm lý: Trẻ có thể khó chịu, giận dữ, căng thẳng, lo lắng hoặc bồn chồn mà không giải thích được nguyên nhân; tránh các hoạt động mà trước đây thích thú; lo sợ khi nhận tin nhắn hoặc thông báo và thường cố gắng giấu diếm các thiết bị của mình trước người lớn; trẻ thường có xu hướng cô lập thu mình ngại giao tiếp với gia đình, bạn bè hoặc cảm thấy không thoải mái trong các tình huống xã hội…
Thay đổi thói quen sử dụng internet: Sử dụng quá mức hoặc thay đổi đột ngột thói quen internet. Đặc biệt vào ban đêm hoặc những thời điểm mà trước đó trẻ thường không online hoặc vào các trang website lạ. Điều này có thể liên quan đến việc trẻ đang tham gia vào các cuộc trò chuyện không phù hợp hoặc bị kéo vào các hoạt động xâm hại trực tuyến.
Sử dụng các tài khoản mới hoặc ứng dụng mới. Kẻ xâm hại khuyến khích trẻ sử dụng những nền tảng ít phổ biến để giảm sự chú ý của người lớn. Trẻ đột nhiên cài đặt và sử dụng các ứng dụng tin nhắn, mạng xã hội mới mà không giải thích rõ ràng.
Những biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em trên không gian mạng
Tăng cường giáo dục và nhận thức cho trẻ. Trẻ cần được trang bị những kiến thức cơ bản về sự an toàn khi sử dụng internet và nhận thức rõ những nguy cơ có thể xảy ra:
Dạy trẻ về sự riêng tư và thông tin cá nhân: Không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, tên trường, lớp học, số điện thoại hay bất kỳ thông tin nào khác có thể xác định vị trí của mình trên mạng; thiết lập quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; Giúp trẻ hiểu về các mối đe dọa tiềm ẩn; Khuyến khích trẻ chia sẻ khi gặp tình huống đáng ngờ
Thiết lập các biện pháp kỹ thuật bảo vệ trẻ: Sử dụng phần mềm giám sát và kiểm tra như parental control, Qustodio, Norton Family… cho phép cha, mẹ theo dõi các trang web mà trẻ truy cập, thời gian sử dụng internet, và hạn chế truy cập các nội dung không phù hợp…
Thiết lập các cài đặt bảo vệ trên các thiết bị của trẻ: Hướng dẫn trẻ cài đặt quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội, đặt mật khẩu mạnh, hạn chế chia sẻ vị trí, các thông tin cá nhân; chỉ kết bạn với những người mà chúng ta biết rõ ngoài đời thực; Hạn chế thời gian sử dụng internet và giám sát nội dung truy cập của trẻ.
Phát triển mối quan hệ mở giữa trẻ và cha mẹ: Thiết lập mối quan hệ gần gũi và tin tưởng giữa cha mẹ và con cái là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ trẻ khỏi các mối đe dọa trên mạng.
Thường xuyên thảo luận về các vấn đề an toàn trên mạng: Cha mẹ tạo ra các cuộc trò chuyện cởi mở và không phán xét về các vấn đề liên quan đến internet, từ đó khuyến khích trẻ chia sẻ những trải nghiệm và lo lắng của mình; Không chỉ trích hoặc trách mắng khi trẻ gặp rắc rối.
Xây dựng nguyên tắc sử dụng internet cùng trẻ: Thiết lập các quy tắc về thời gian sử dụng internet, các trang web được phép truy cập, hành vi khi tương tác với người lạ. Đồng thời giải thích rõ tại sao các quy tắc này là cần thiết và thảo luận cùng trẻ về hậu quả khi không tuân thủ.
Tăng cường hợp tác giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng: Việc bảo vệ trẻ khỏi xâm hại trên không gian mạng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các tổ chức giáo dục và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và tạo ra môi trường mạng an toàn cho trẻ.
Xử lý khi trẻ bị xâm hại trên không gian mạng
Khi trẻ bị xâm hại trên không gian mạng, việc xử lý tình huống kịp thời và hiệu quả là rất quan trọng để bảo vệ quyền lợi của trẻ và ngăn ngừa hậu quả nghiêm trọng hơn. Quá trình xử lý này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo vệ trẻ em. Dưới đây là các bước cần thực hiện khi phát hiện trẻ bị xâm hại trên mạng.
Nhận diện dấu hiệu xâm hại và khuyến khích trẻ chia sẻ. Gia đình, các thầy cô giáo và những người có trách nhiệm cần tạo môi trường an toàn để trẻ có thể chia sẻ những trải nghiệm xấu của mình mà không sợ bị trách móc hay phạt. Trẻ cần thấy được sự hỗ trợ từ người lớn, khi đó mới dễ dàng bày tỏ những khó khăn.
Đảm bảo sự an toàn của trẻ ngay lập tức và ngừng sử dụng thiết bị và xóa các thông tin liên quan; Báo cáo với cơ quan chức năng và nhà cung cấp dịch vụ mạng.
Trẻ cần được chăm sóc, an ủi ngay khi xảy ra sự việc và cần phải rời khỏi môi trường mạng xã hội để giảm căng thẳng. Sau đó, phụ huynh hoặc người giám hộ cần cung cấp thông tin và xem lại những biện pháp giáo dục an toàn trên mạng dành cho trẻ.
Phòng ngừa xâm hại trẻ em trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của riêng trẻ em mà còn là trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên và toàn bộ xã hội. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề nghị tập trung chỉ đạo:
Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau: 100% các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em định kỳ tổ chức chương trình tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn. 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội. Phấn đấu 100% tổ chức, cá nhân khi bị tố giác, phát hiện vi phạm quy định pháp luật đối với trẻ em trên môi trường mạng bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khánh Mai