Cách nhận biết xe ô tô nhanh bị hao nước làm mát

author 05:58 20/12/2023

(VietQ.vn) - Nước làm mát là một loại dung dịch gần như không thể thiếu đối với xe ô tô, có tác dụng làm mát và duy trì nhiệt độ ổn định cho động cơ, giúp xe có thể vận hành một cách êm ái.

Nước làm mát hay chất làm mát là một phần quan trọng trong hệ thống làm mát của ô tô. Hệ thống này được ví như cơ chế tỏa nhiệt của cơ thể con người có vai trò điều tiết nhiệt độ cho động cơ và các bộ phận khác trên phương tiện. 

Nước làm mát ở dưới mức thấp nhất, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tản nhiệt động cơ

Đối với những dòng xe không được trang bị hệ thống giám sát nhiệt độ nước làm mát, động cơ nóng quá mức có thể dẫn đến chết máy, xe không hoạt động được, thậm chí xảy ra cháy nổ. Trong trường hợp, nước làm mát lọt vào buồng đốt dẫn tới động cơ bị rung giật và xe khó khởi động.

Bên cạnh đó, xe ô tô bị hao nước làm mát khiến cho phương tiện có mùi khét khi vận hành, bốc khói, ì hoặc chết máy. Điều này xảy ra do lượng nhiệt ở động cơ tăng cao, nước làm mát bị cạn dẫn đến tình trạng phớt bị cháy.

Ngoài ra, mức nhiệt tăng cao khiến cho máy bị bó, mặt quy lát bị vênh và gioăng cao su cửa bị hỏng. Nghiệm trọng hơn, nước sẽ tràn vào piston khiến động cơ bị hỏng và gãy tay biên. Chính vì vậy, chủ phương tiện cần thay nước làm mát cho xe ô tô định kỳ để giúp cho động cơ vận hành được tốt và hiệu quả nhất.

Tuy nhiên theo các chuyên gia kỹ thuật ô tô, nước làm mát được vận hành tuần hoàn khép kín nên khó có thể hao hụt. Trong 2 - 3 năm đầu hoạt động, nước làm mát sẽ bị hao hụt một phần nhỏ. Nếu hiện tượng hao hụt nước mát diễn ra quá nhanh, có thể do một số nguyên nhân sau đây

Nước làm mát bị lọt vào trong buồng đốt

Như bên trên đã đề cập, khi nước làm mát bị lọt vào trong buồng đốt nếu để lâu ngày sẽ gây gỉ sét các chi tiết bên trong thân động cơ, tình trạng này rất khó khắc phục và hậu quả có thể khiến toàn bộ động cơ hư hỏng không thể phục hồi. Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này là các gioăng làm kín bị rách, không đảm bảo kín khít. Gioăng làm kín có thể gặp hư hỏng do hao mòn tự nhiên trong quá trình sử dụng, và do trong quá trình tháo lắp sửa chữa nếu không đúng quy trình cũng sẽ làm hở các gioăng làm kín.

Bình nước phụ bị rò rỉ

Bình nước phụ là một bộ phận quan trọng trong hệ thống làm mát. Trong khi động cơ không hoạt động, phần lớn nước làm mát sẽ được lưu trữ tại két nước và các đường ống. Khi bắt đầu hoạt động, nhiệt độ nóng lên và làm tăng thể tích chất lỏng, lúc này bình nước phụ sẽ đóng vai trò là một bình chứa. Nắp bình nước phụ sẽ đóng vai trò như van áp suất một chiều, trong trường hợp nhiệt độ cao từ động cơ làm tăng nhiệt độ nước làm mát, dẫn tới tăng áp suất thì thông qua nắp của bình nước phụ. Áp suất cao sẽ được đẩy ra ngoài, giúp đảm bảo hệ thống không bị chịu áp suất quá cao.

Bình nước phụ trên ô tô. Ảnh minh họa

Quá trình hoạt động lâu ngày trong môi trường nhiệt độ cao sẽ bị giảm chất lượng, từ đó bình nước phụ dễ bị nứt vỡ khi gặp va chạm. Nắp bình nước phụ cũng dễ bị hư hỏng, do có cơ cấu như van một chiều nên sau một thời gian sử dụng các chi tiết làm kín sẽ bị rò rỉ. Khi áp suất cao sẽ đẩy một phần nước làm mát ra ngoài và gây hao hụt.

Trong những trường hợp này, lưu lượng nước làm mát bị rò rỉ thường ít và dễ bị làm khô bởi nhiệt cao trong khoang máy. Nếu chủ xe không chú ý, khắc phục sẽ dẫn tới tình trạng thiếu nước làm mát, gây ra các hư hỏng nặng cho động cơ và các tổng thành khác.

Các đường ống dẫn nước, két nước bị rò rỉ

Ống dẫn nước làm mát được cấu tạo từ vật liệu chuyên dụng, đem lại khả năng dẫn nước và chịu được nhiệt độ cao, áp suất lớn. Nhưng với điều kiện làm việc khắc nghiệt, sau một thời gian sử dụng ống dẫn nước làm mát thường xuất hiện rò rỉ, đặc biệt ở những đầu nối.

Hệ thống nước làm mát trên xe ô tô bị rò rỉ. Ảnh minh họa

Việc rò rỉ ống dẫn nước sẽ khá khó phát hiện, do các đường ống được thiết kế xung quanh thân máy cho nên thường không thể quan sát toàn bộ đường ống. Theo các nhà sản xuất ô tô, ống dẫn nước làm mát cũng là một bộ phận cần được thay định kỳ sau mỗi 70.000-100.000 km sử dụng.

Việc thay ống dẫn nước không chỉ đảm bảo độ kín khít của hệ thống mà còn giúp hệ thống hoạt động tốt hơn. Vì trong quá trình sử dụng ít nhiều chất bẩn bị đóng cặn lại ở thành ống. Nếu các cặn bẩn này tích tụ lâu ngày có thể gây kẹt đường ống, dẫn tới nước làm mát không được lưu thông và gây ra tình trạng thiếu nước làm mát sẽ khiến động cơ bị quá nhiệt, hư hỏng.

Bên cạnh đó, két nước làm mát được đặt ngay sau lưới tản nhiệt, vì vậy sẽ rất dễ bị đất đá bắn vào trong quá trình di chuyển, dẫn bị hư hỏng và bị bục dẫn tới rò rỉ nước làm mát. Đối với két nước làm mát, việc rò rỉ sẽ dẫn nhận biết hơn vì nằm ở vị trí dễ quan sát, để kiểm tra chủ xe chỉ cần nổ máy và đỗ xe tại chỗ, sau một thời gian nếu xuất hiện nước làm mát nhỏ xuống từ đầu xe, khả năng cao két nước đã gặp hư hỏng.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho động cơ, chủ sở hữu nên lựa chọn các loại dung dịch làm mát chuyên dụng để thực hiện châm chích. Trên thị trường hiện nay có 4 loại nước làm mát chính. Theo đó, chủ xe có thể căn cứ vào thành phần hóa học để lựa chọn sử dụng trong đó có các loại: Nước làm mát màu xanh lá (loại LLC); Nước làm mát màu đỏ (loại LLC); Nước làm mát màu xanh dương (loại SLLC); Nước làm mát màu hồng (loại SLLC).

Nước làm mát đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động cơ và hệ thống làm mát của ô tô. Việc duy trì và kiểm tra định kỳ sẽ giúp chủ xe tránh được những tình trạng hư hại nặng và đảm bảo hiệu suất hoạt động của xe ô tô trong thời gian dài.

Tiêu chuẩn về chất làm mát động cơ

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13189:2020 ASTM D 8085-17 Chất làm mát động cơ không chứa nước dùng cho ô tô và xe tải hạng nhẹ - Quy định kỹ thuật

Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật đối với chất làm mát động cơ không chứa nước dùng cho ô tô và xe tải hạng nhẹ. Các chất làm mát động cơ không chứa nước phù hợp với quy định kỹ thuật sẽ có tác dụng bảo vệ chống lại sự đông đặc, sôi và ăn mòn mà không cần pha loãng thêm. Tiêu chuẩn này dựa trên cơ sở hiểu biết về tính năng của các chất làm mát động cơ không chứa nước được pha chế từ các các diol mới riêng rẽ hoặc hỗn hợp của các diol nguyên gốc cấp công nghiệp.

Các giá trị tính theo hệ đơn vị SI là các giá trị tiêu chuẩn. Các đơn vị trong ngoặc đơn chỉ để tham khảo.

Tiêu chuẩn này không đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn khi sử dụng. Người sử dụng tiêu chuẩn này có trách nhiệm thiết lập các nguyên tắc về an toàn và bảo vệ sức khoẻ cũng như khả năng áp dụng phù hợp với các giới hạn quy định trước khi đưa vào sử dụng. 

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang