Mạng xã hội trên trận địa bảo vệ tư tưởng

author 15:48 28/10/2021

(VietQ.vn) - Việc sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền là tất yếu và khách quan. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, thúc đẩy văn hóa sử dụng mạng xã hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả của truyền thông xã hội.

Đại hội XIII đã xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất về xây dựng Đảng gồm 6 nội dung quan trọng là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh; Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Một trong 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phương hướng và nhiệm vụ trong trọng tâm thứ nhất được đề ra đó là coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất toàn dân tộc; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cán bộ, đảng viên. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động phòng chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội.

Thực hiện tốt việc quy hoạch các cơ quan báo chí phù hợp với tình hình mới; tập trung đào tạo xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý báo chí, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực, nghiệp vụ giỏi để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; phát huy hơn nữa vai trò của văn học - nghệ thuật trên mặt trận tư tưởng; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ để phục vụ công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh tư tưởng trên môi trường không gian mạng.

Nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận mới, khó, phức tạp, nhạy cảm phát sinh từ thực tiễn hoặc tồn tại trong thời gian dài; những vấn đề chưa rõ về cơ sở lý luận, còn ý kiến khác nhau thì mạnh dạn thí điểm, tổng kết kịp thời để có kết luận nhằm thống nhất nhận thức trong Đảng; tạo cơ chế, môi trường thuận lợi và bố trí nguồn lực cần thiết cho nghiên cứu lý luận. Có cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ các chuyên gia đầu ngành.

Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo và hiện đại. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa học tập lý luận với rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn; khắc phục tình trạng ngại học, lười học lý luận chính trị trong cán bộ, đảng viên.

Quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường chính trị; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị, báo cáo viên.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc lịch sử, thù địch nhằm bảo vệ đường lối, Cương lĩnh lãnh đạo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng.

Trong giai đoạn hiện nay, tác động của dịch bệnh Covid-19, tình hình thế giới cũng như khu vực có những diễn biến phức tạp và khó lường với nhịp độ nhanh. Chính giai đoạn này tạo ra cơ hội và cả khó khăn thách thức mới cho nền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước…

Có thể nhận thấy rõ những quan điểm chống phá phổ biến hiện nay là: Xuyên tạc, hạ uy tín các đồng chí lãnh đạo, xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, lan truyền những tư tưởng sai lệch dưới nhiều hình thức, cách thức và đối tượng khác nhau.

Bằng việc tận dụng tối đa công cụ mạng xã hội, các đối tượng ngày càng dễ dàng lan truyền tư tưởng, thông tin sai lệch. Đứng trước tình hình đó, việc tăng cường đấu tranh chống lại những âm mưu thâm độc, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là trên trận địa mạng xã hội.

2021 là năm khó khăn bởi diễn biến dịch bệnh vô cùng phức tạp khi Đảng và Nhà nước cùng nhân dân đang ra sức chống dịch, đồng thời hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng là lúc các thế lực thù địch lợi dụng cơ hội ra sức chống phá bằng những luận điệu “phản biện xã hội”, đấu tranh “dân chủ”, “nhân quyền”, “dự do tôn giáo”, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ… để xuyên tạc lịch sử, kích động thù địch.

Mục tiêu nhằm chia rẽ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, bác bỏ những thành tựu cũng như vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam… Lợi dụng sự phát triển và phổ biến của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội họ lan truyền và lôi kéo kích động trong cộng đồng bằng những thông tin sai sự thật.

Mạng xã hội - kênh tuyên truyền hiện đại nhưng nhiều vấn đề

Ngày nay, không thể phủ nhận sự phát triển và phủ sóng rộng khắp của mạng xã hội đã thay đổi phương thức truyền tải thông tin. Thay vì thông tin được truyền tải đơn chiều, vào thời điểm hiện tại có thể thấy rằng mạng xã hội đến với từng cá nhân, khiến cho việc tiếp cận trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn trước, điều đặc biệt là mạng xã hội tạo ra sự tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin, tạo ra môi trường thông tin đa chiều cùng với nhiều nội dung phong phú và đa dạng. Không sai khi nói mạng xã hội đã thay đổi hoàn toàn cách thức mà công chúng tiếp cận với thông tin.

Trong đó, những thông tin mà mỗi người tiếp cận ngày càng được cá nhân hóa, theo đó mỗi cá nhân sẽ có một hệ tư tưởng, thái độ cũng như nhu cầu tiếp nhận thông tin khác nhau sẽ quyết định những thông tin họ được truyền tải và tiếp nhận trên mạng xã hội. Việc xóa bỏ rào cản về địa lý, mọi người được kết nối với nhau thông qua công cụ mạng xã hội đã tạo ra một cộng đồng mạng vô cùng rộng lớn với tốc độ lan truyền thông tin một cách chóng mặt. Từ đây, những thông tin nổi bật trong xã hội nhanh chóng được phổ biến trên mạng xã hội và trở thành vấn đề nóng được đem ra bàn luận, tranh luận trên mạng xã hội giữa những người có hệ tư tưởng khác nhau.

Tuổi thọ của thông tin trên mạng xã hội là vô cùng ngắn, vì vậy để thu hút sự quan tâm thì thông tin phải đảm bảo tính mới, gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội. Những thông tin điển hình có thể kể đến như mang tính thời sự, phản ánh chính sách mới, chủ trương mới, sự kiện mới...

Đồng thời phải nhanh chóng và kịp thời, việc cập nhật thông tin lên mạng xã hội trở thành cuộc đua về tốc độ. Chính tính chất thời điểm này mà các thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội rất có thể trở thành mầm mống tư tưởng sai lệch trong cộng đồng mạng nếu không được đính chính một cách kịp thời.

Theo thống kê của Digital (số liệu tính tới thời điểm tháng 01/2021) thì: Số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là 68.720.000 người, tăng 551.000 người (tăng 0,8%) trong giai đoạn 2020-2021, chiếm 70,3% dân số; số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là 72 triệu (tăng hơn 7 triệu người trong vòng 1 năm), tương đương 73,7% tổng dân số, tăng 7.000.000 người (tăng 11%) trong giai đoạn 2020-2021. Với sự số lượng người sử dụng vô cùng lớn, mỗi thông tin trên mạng xã hội đều có tốc độ lan truyền rất nhanh đủ điều kiện trở thành kênh tuyên truyền trong cộng đồng.

Với đặc thù nguồn thông tin đa dạng và khó kiểm soát, mạng xã hội tồn tại những vấn đề nhức nhối. Bên cạnh thông tin tích cực, đúng đắn thì vẫn còn những thông tin giả, bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, thù địch và kích động bạo lực nhằm chia rẽ niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà Nước dưới nhiều hình thức để tiếp cận với hàng triệu người dùng mạng xã hội, gây ra những luồng thông tin trái chiều.

“Mạng xã hội” - trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng

Công cụ chống phá

Như đã đề cập trước đó, thông tin trên mạng xã hội vô cùng đa dạng, phong phú và nhiều chiều, không có kiểm chứng và dễ bị chi phối bởi hiệu ứng quần chúng và phản ứng dây chuyền. Với tuổi thọ ngắn những thông tin sai lệch có thể len lỏi và tồn tại trong tư tưởng của nhiều cá nhân tiếp cận thông tin nếu thông tin đó không được đính chính một cách kịp thời. Đồng thời để thu hút người theo dõi, thông tin đôi khi được phóng đại một cách thiếu kiểm soát.

Ngoài ra, khó khăn trong việc kiểm soát thông tin, tính chính xác và việc ẩn danh của người tham gia mạng xã hội tạo điều kiện cho các thế lực xấu, thù địch chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng lợi dụng những sơ hở trong quản lý mạng internet, mạng xã hội, xâm nhập, phát tán những thông tin xuyên tạc lịch sử gây chia rẽ nội bộ, mất trật tự an ninh xã hội.

Chúng tập trung chống phá cơ sở tư tưởng, truyền bá tư tưởng không lành mạnh, kích động mâu thuẫn với nhân dân, gây thiệt hại về lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước… Chúng chia rẽ xã hội, thực hiện “diễn biến hòa bình”, khuyến khích cộng đồng mạng tham gia các hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật…

Điều đáng báo động là những thông tin này lại có tốc độ lan truyền cực nhanh trên mạng xã hội với hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ chỉ trong thời gian ngắn.  

Một vấn đề lớn khác nằm ở hệ tư tưởng của giới trẻ và cách thức giới trẻ sử dụng mạng xã hội và thể hiện sự yêu thích với những người nổi tiếng ở các quốc gia khác. Ví dụ có thể kể đến gần đây nhất là bộ phim “Quân đội Vương Bài” do Trung Quốc sản xuất đã tạo ra làn sóng phẫn nộ vì có những yếu tố xuyên tạc lịch sử, bên cạnh làn sóng phẫn nộ là có một bộ phận giới trẻ thiếu trải nghiệm cũng như bản lĩnh sàng lọc thông tin vì yêu thích những diễn viên một cách quá đà mà sẵn sàng tuyên truyền ủng hộ nội dung xuyên tạc lịch sử.

Ngày nay, số lượng mạng xã hội trở nên đa dạng không chỉ có Facebook, Instagram mà còn là tiktok - một trong những mạng xã hội phổ biến trong người dùng ở Việt Nam. Chính sự phát triển này đang mở rộng địa bàn hoạt động của các thế lực thù địch nhằm lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc tư tưởng của Đảng, kích động, đặt ra thách thức lớn trong việc kiểm soát thông tin, phản bác các quan điểm sai trái.

Trận địa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Như đã trình bày ở trên, mạng xã hội hiện nay là nơi các thế lực thù địch truyền bá những quan điểm sai trái, chính vì vậy nơi đây cũng trở thành "chiến trường" được sử dụng để chống lại những quan điểm sai trái, hành động thù địch trực tiếp, kịp thời.

Nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề, trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta nêu rõ, Tích cực, chủ động… “giữ vững chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng trong mọi tình huống”.

Đây là nội dung lần đầu tiên được ghi trong một Văn kiện Đại hội, phản ánh nhận thức sâu sắc của Đảng ta về tính chất của thời đại dưới góc độ khoa học – công nghệ, bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0) sẽ chuyển dịch toàn bộ thế giới từ thế giới thực sang thế giới số.

Để phản bác các quản điểm sai trái, những hành động cụ thể có thể được kể đến như: 

Tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức chiều 7/10, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã trả lời câu hỏi liên quan bộ phim Quân đội Vương Bài của Trung Quốc với các chi tiết xuyên tạc lịch sử cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam những năm thập niên 1980.

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn và khách quan", bà Thu Hằng khẳng định. Theo đại diện Bộ Ngoại giao, Việt Nam mong muốn các bên "có các hoạt động thiết thực để tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân, đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.

"Chúng tôi đề nghị phía Trung Quốc thực hiện nghiêm nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc tăng cường tuyên truyền hữu nghị, khách quan, củng cố quan hệ xã hội thuận lợi cho phát triển quan hệ giữa hai nước", đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Tận dụng ưu thế tuyên truyền, ngăn chặn những thông tin chống phá trên mạng xã hội

Không thể phủ nhận những ưu điểm mà mạng xã hội mang lại trong việc tuyên truyền thông tin đến với công chúng. Nhờ có mạng xã hội mà ngày nay công chúng có thể tiếp cận những thông tin về tình hình dịch bệnh, chính sách của Đảng và Nhà nước, thông tin, hình ảnh tích cực về công tác chống dịch của Đảng và Nhà nước ta cùng với nhân dân. Từ đó định hướng đúng tư tưởng và định hướng xã hội.

Điển hình những thông tinh chính thống tích cực được đăng tải trên các trang thông tin chính thống như “Thông Tin Chính phủ”, “Báo điện tử VTV”...

 
 

Có thể thấy việc tuyên truyền những thông tin tích cực chính thống đến công chúng luôn nhận được sự đón nhận tích cực của người dân.

 

Phát huy ưu thế mà mạng xã hội mang lại, các tổ chức, cơ quan chức năng của chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở cần xây dựng diễn đàn, nhóm, cộng đồng của mình, với chính cán bộ, nhân viên. Đồng thời, thu hút thêm nhiều thành viên và người theo dõi, huy động lượng lớn người truy cập, để cung cấp thông tin chính thống và tích cực. Thông qua sự tương tác, trao đổi nhóm này một mặt cung cấp, chia sẻ, phổ biến thông tin tích cực, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước, mặt khác là sự nhìn nhận các sự việc, sự việc sắp xảy ra liên quan đến lĩnh vực, địa bàn của mình, kiểm tra, rà soát, kịp thời có biện pháp xử lý, giải quyết thỏa đáng.

Việc sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền tư tưởng là tất yếu và khách quan. Nhận thức đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội, thúc đẩy văn hóa sử dụng mạng xã hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả của truyền thông xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia, sự thật, 3/2021

2. https://tuyengiao.vn. Tận dụng ưu thế mạng xã hội trong công tác tuyên truyền của Đảng

3. https://dangcongsan.vn. Cảnh giác với tin giả

Phạm Quang Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang