Phát hiện hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Hà Giang

author 19:31 13/12/2023

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang vừa kiểm tra một cơ sở kinh doanh và phát hiện hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm là: Cánh gà, cánh vịt, xúc xích, snack mực hải sản, kẹo dẻo, kẹo sữa, nước ngọt màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Đỗ Văn Nghiệp, địa chỉ: thôn Minh Tiến, xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Qua kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán 2.070 sản phẩm thực phẩm là: Cánh gà, cánh vịt, xúc xích, snack mực hải sản, kẹo dẻo, kẹo sữa, nước ngọt màu không xác định được nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ của số hàng hóa trên.

Theo ông Đỗ Văn Nghiệp các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên được ông mua trôi nổi trên thị trường, không rõ địa chỉ, không có bất kể giấy tờ gì kèm theo số hàng hóa trên.

Đội Quản lý thị trường số 3 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm, đề nghị Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Đỗ Văn Nghiệp về hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với số tiền xử phạt là: 4.000.000 đồng và buộc ông Nghiệp tiêu hủy 2.070 sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ gây hại cho sức khỏe con người.

Lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc được thu mua trôi nổi về bán kiếm lời. Ảnh: Cục QLTT Hà Giang

Nói tới hành vi kinh doanh sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc, tại Khoản 13, Điều 3, Nghị định 98/2020 được sửa đổi bổ sung Nghị định 17/2022 quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật”

Quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm kinh doanh, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể lên đến 200 triệu đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Đây là mức phạt đối với người vi phạm là cá nhân. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường. Đặc biệt, nếu người vi phạm sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tương tự thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 BLHS.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang