Mỹ cảnh báo: 'Thử thách' nấu thịt gà với thuốc cảm trên mạng xã hội gây tổn thương phổi
Cảnh báo nhiều người dễ 'mắc bẫy' vào các thông tin làm đẹp trên mạng xã hội
Sách giả, sách lậu nở rộ trên mạng xã hội: Chế tài xử lý chưa đủ răn đe?
Bộ Y tế cảnh báo thuốc Salonpas Gel giả bán tràn lan trên mạng xã hội
Kể từ tháng 9, nhiều người dùng mạng xã hội tại Mỹ truyền tay "thử thách" nấu thịt gà với các loại thuốc điều trị ho, cảm cúm, có chứa acetaminophen, dextromethorphan và doxylamine. Trước sự việc này FDA cảnh báo đây là hành động cực kỳ nguy hiểm, có thể gây hậu quả khôn lường.
Theo FDA, việc đun sôi một loại thuốc có thể khiến nó trở nên cô đặc, thay đổi hoạt tính. Dù không ăn thịt gà sau khi chế biến, việc hít phải hơi thuốc trong khi nấu nướng cũng có thể khiến các thành phần (đã bị biến đổi) xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, hoạt chất trong thuốc có thể làm tổn thương phổi. "Các thử thách tạo trào lưu thường nhắm vào giới trẻ, gây hại cho người dùng, thậm chí tử vong", FDA cho biết.
Cơ quan cũng chỉ ra một trào lưu trước đó, gọi là Thử thách Benadryl, khuyến khích người xem sử dụng liều lượng lớn thuốc kháng histamine để gây ảo giác.
Thử thách nấu thịt gà với các loại thuốc điều trị ho, cảm cúm, có chứa acetaminophen, dextromethorphan và doxylamine gây nguy hiểm khó lường. Ảnh: VnExpress/ Tiktok
Theo Viện Nhi khoa Mỹ (AAP), não bộ của thanh thiếu niên chưa phát triển đầy đủ. Trên thực tế, vỏ não trước, nơi quản lý suy nghĩ và tính logic, tư duy giải quyết vấn đề, đo lường hậu quả, chưa hoàn thiện cho đến những năm 20 tuổi. Đây là lý do vì sao thanh thiếu niên thường bốc đồng và dễ hành động mà không xem xét hậu quả. "Trẻ em không dừng lại suy nghĩ bột giặt là chất độc, có thể làm hỏng cổ họng, hỏng đường hô hấp của chúng; hay lạm dụng thuốc như diphenhydramine (Benadryl) có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, co giật và hôn mê", AAP cảnh báo.
Theo AAP, người trẻ thường tập trung vào lượt thích và các bình luận. Phương tiện truyền thông xã hội và các nền tảng công nghệ khiến việc này trở nên cực đoan hơn. Cơ quan này đề nghị phụ huynh trò chuyện cởi mở với con cái, coi trẻ như bạn bè và chủ động tìm hiểu về các thử thách trên mạng xã hội. Sau đó, cha mẹ cần thảo luận "một cách bình tĩnh và không phán xét", đồng thời khuyến khích các suy nghĩ tích cực của con em.
"Bạn cần nhắc nhở con rằng dùng nhiều thuốc không kê đơn có thể gây ra quá liều, giống với thuốc theo đơn", FDA cho biết. Cơ quan khuyến cáo các gia đình khóa kín tủ thuốc một cách an toàn khi không sử dụng.
Trước đó, truyền thông Mỹ cũng đưa tin, 3 học sinh trung học tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ) đã nhập viện vì ngộ độc thuốc dị ứng. Cả 3 học sinh này học theo một trào lưu đang được giới trẻ rầm rộ chia sẻ và thách thức nhau trên ứng dụng TikTok. “Những người trong video nói rằng, mọi người sẽ cảm thấy hưng phấn và gặp ảo giác nếu uống khoảng 12 viên thuốc dị ứng trở lên. Và phần lớn học sinh thực hiện điều này đã sử dụng thuốc quá liều dẫn đến ngộ độc" - Cơ quan y tế ở Fort Worth, Mỹ cho biết.
Trong 3 học sinh trung học nhập viện kể trên có 1 một nữ sinh đã uống tới 14 viên thuốc dị ứng. Nữ học sinh này được cấp cứu trong tình trạng nhịp tim rối loạn và tạm thời mất khả năng giao tiếp rõ ràng. Được biết, 3 học sinh này không phải là trường hợp đầu tiên gặp nguy hiểm khi thực hiện theo thử thách #Benadryl Challenge trên TikTok. Thực tế, việc sử dụng thuốc dị ứng quá liều có thể gây ngộ độc, thậm chí nguy cơ tử vong.
Theo nhà phân tích mạng xã hội Jo Phillips tại Canada, có đến hàng trăm trào lưu nguy hiểm trên TikTok chứ không chỉ #Benadryl Challenge. Và điều đáng lo ngại là có đến 60% người dùng của TikTok là thanh thiếu niên từ 16 - 24 tuổi.
An Dương (T/h)