Sách giả, sách lậu nở rộ trên mạng xã hội: Chế tài xử lý chưa đủ răn đe?

author 15:39 15/08/2022

(VietQ.vn) - Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Đặc biệt hiện nay nó càng 'bùng nổ' hơn trên các trang mạng xã hội.

Sách giả, sách lậu phát triển mạnh mẽ trên chợ mạng

Theo ghi nhận thị trường sách trên mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ. Những kẻ kinh doanh sách lậu cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế để thay đổi hình thức tiếp cận người đọc. Thay vì bày tràn lan các vỉa hè hay len lỏi vào các cửa hàng sách như trước đây, sách lậu đang được chào bán trên mạng, với hình ảnh quảng cáo là những bộ sách thật.

Đề cập tới vấn đề sách giả, sách lậu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First News (Trí Việt) khẳng định, sách giả, sách lậu đang lan truyền trên không gian mạng nhanh, mạnh và nhiều không kém gì con virus nguy hiểm đã tấn công loài người hai năm qua. Việc buôn bán sách giả trên mạng đang cực kỳ khó kiểm soát. Các đối tượng đăng ảnh sách thật, quảng cáo hấp dẫn, giảm giá 50-70% để thu hút độc giả sau đó ‘ship’ đến những cuốn sách đầy lỗi chính tả, in ấn kém chất lượng".

Giám đốc Công ty First News cho biết thêm, trước đây mọi người thường hay nói đến khái niệm “sách in lậu” nhưng hiện nay, bên cạnh sách in thì audio book (sách nói) và e-book (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép, do đó chúng ta cần tiếp nhận khái niệm mới là “sách giả” để có thể nhận thức toàn diện mối nguy hại và từ đó tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình mới.

 Sách giả bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Kế hoạch - Bản quyền của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam cũng đồng tình với quan điểm đó và cho rằng tình trạng sách lậu đã trở thành thực trạng khiến các đơn vị phát hành sách “đau đầu” nhiều năm nay. Tình trạng buôn bán sách lậu không những không thuyên giảm mà còn có chiều hướng bùng nổ, được rao bán ngày một công khai trên các trang mạng xã hội và thậm chí cả trên các sàn thương mại điện tử lớn.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây, Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt đã trình báo với Phòng An ninh Văn hóa, Công an TP. Hà Nội về trường hợp 2 bộ sách bán chạy của mình bị in lậu và bán ngang nhiên trên mạng. 

Theo đại diện công ty, đối tượng vi phạm bản quyền còn ngang nhiên quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội. Để xác minh tính chính xác, công ty đã thử liên hệ mua hàng để so sánh, đối chiếu với sách bản quyền gốc. Khi nhận được sách, bộ sách giả cầm trên tay có chất liệu giấy mỏng, chất lượng in kém, bị nhòe nét.

Theo đại diện Tân Việt, việc làm giả sách không chỉ làm giảm doanh thu mà còn ảnh hưởng tới danh tiếng của người làm sách chân chính. Thậm chí, sách giả còn có những chi tiết sai sót, chất lượng sách thấp, gây ảnh hưởng tới thông tin mà người đọc tiếp nhận.

Sách giả, sách lậu nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản. Giai đoạn dịch bệnh hoành hành khiến việc mua bán sách thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội trở nên phát triển.

Bên cạnh yếu tố thuận tiện, nhanh chóng thì việc giao dịch online lại vô tình tạo “đất sống” cho sách giả. Vàng thau lẫn lộn, không ít độc giả bị thu hút bởi những lời quảng cáo như “xả kho sách giá rẻ” để rồi “ôm cục tức” khi nhận được những cuốn sách kém chất lượng.

Xử phạt hành vi buôn bán sách giả, sách lậu chưa đủ sức răn đe

Theo lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, sách giả vẫn sống được trên thị trường do lợi ích kinh tế từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu, giả mang lại là quá lớn. Do không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; không phải chi tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện xuất bản phẩm thấp... nên xuất bản phẩm lậu, giả có giá thành rất thấp, các đối tượng in, phát hành xuất bản phẩm lậu, giả có thể bán với chiết khấu cao so với giá bìa để thu hút người mua.

Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng in lậu, làm giả sách giáo khoa chưa bị đẩy lùi, đó là do các chế tài và mức phạt đối với hành vi này chưa thực sự đủ răn đe trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn. Để ngăn chặn tình trạng này, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng in lậu, làm giả các ấn phẩm giáo dục. Đồng thời, các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm pháp luật về hoạt động in sách giáo khoa để sớm lập lại trật tự trong lĩnh vực in ấn các loại sách giáo khoa, phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục - đào tạo.

Thực tế những quy định của pháp luật hiện hành được thể hiện trong Luật Xuất bản, Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ cũng như các Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành đã đảm bảo tương đối chặt chẽ trong việc quản lý các cơ sở in. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ in cũng như thuận tiện trong việc trao đổi thông tin, giao nhận hàng hóa nên các đối tượng in – phát hành sách lậu đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in lậu, phát hành sách lậu một cách chặt chẽ, kín đáo nhằm tránh sự kiểm tra, phát giác của các cơ quan chức năng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang