Mỹ phẩm Nghĩa Tâm An 'thổi phồng' công dụng, lừa dối người tiêu dùng?

author 17:18 11/11/2019

(VietQ.vn) - Dù chỉ là mỹ phẩm (MP), không phải là thuốc điều trị, nhưng một số sản phẩm thương hiệu Nghĩa Tâm An (do Công ty TNHH SKINIA Việt Nam phân phối) lại "mập mờ" quảng cáo như thuốc điều trị bệnh, khiến người tiêu dùng (NTD) hiểu nhầm.

Vừa qua đơn thư của NTD phản ánh về việc dùng mỹ phẩm Nghĩa Tâm An bị tác dụng phụ, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể, trường hợp anh L.V.H ( CT9 – KĐT Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội ) phản ánh về việc sau khi sử dụng sản phẩm Nghĩa Tâm An đã mắc phải những triệu chứng viêm da.

Anh L.V.H cho biết: “Tôi đặt mua 2 sản phẩm trị nám Nghĩa Tâm An qua MXH (Công ty TNHH SKINIA Việt Nam, tầng 6, tòa nhà MD Complex, số 68, phố Nguyễn Cơ Thạch, Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, phân phối). Sau khi đặt mua, tôi nhận được cuộc điện thoại từ số máy 0398***165 của người xưng tên Trang, bác sĩ điều trị của Nhà thuốc Đông y Nghĩa Tâm An. Người tên Trang sau khi hỏi han thăm khám qua điện thoại, rồi kê đơn cho tôi loại kem bôi đặc trị (giá 1.000.000 đồng, gồm kem chống nắng và dưỡng da ban đêm) và khẳng định, chỉ sau 2 – 3 tháng sẽ khỏi hoàn toàn”.

Anh H. bị viêm da dị ứng sau khi dùng sản phẩm trị nám Nghĩa Tâm An. 

“Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày sử dụng, tôi có những triệu chứng như: bị ngứa rát, mẩn đỏ xung quanh vùng da cổ, dưới hàm, chân tóc và xung quanh mặt. Đến khám ở Bệnh viện Bưu điện, các bác sĩ kết luận tôi bị viêm da dị ứng’’, anh H. cho biết thêm.

Lo lắng, nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, anh H. liên hệ với nhân viên Nhà thuốc Đông y Nghĩa Tâm An, nhưng nhân viên nghe phản ánh bị dự ứng, từ chối “tiếp chuyện”.

Anh H. cho biết thêm: “Khi tìm hiểu thông tin về sản phẩm, thấy quảng cáo công dụng điều trị, gọi điện lại được nhân viên tự xưng là bác sĩ điều trị của Nhà thuốc Đông y Nghĩa Tâm An, bên cạnh đó trên bao bì sản phẩm còn dán tem CGMP của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nên tôi tin dùng”.

Sản phẩm trị nám Nghĩa Tâm An mà anh H. sau 2 ngày dùng bị viêm da dị ứng. 

Được biết, khái niệm để phân biệt thuốc và mỹ phẩm có nội dung: thuốc là chất hoặc hỗn tạp các chất dùng cho người nhằm phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, hoặc điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể, bao gồm thuốc thành phẩm, vật liệu làm thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế. Tân dược, hay Đông dược đều phải được sản xuất tại các nhà máy sinh sản thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (thực hành tốt sinh sản thuốc - theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới). Thuốc không phải là thực phẩm, phải cẩn trọng khi dùng, phải đúng liều đúng lượng.

Về mỹ phẩm được Bộ Y tế định nghĩa: một chất hoặc chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với phần bên ngoài thân thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi), hoặc răng và niêm mạc miệng, với mục đích chính: để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể, hoặc giữ thân thể trong điều kiện tốt. Mỹ phẩm không có tác dụng chữa bệnh, hoặc thay thế thuốc chữa bệnh và không được phép kê đơn cho người bệnh.

Trên Website https://trinamnghiataman.com/kem-duong-da-chong-nang/ các sản phẩm dưỡng trắng da được quảng cáo với hàng loạt ưu điểm, công dụng, nhưng trên thực tế muốn đạt được chừng đấy tác dụng, các khách hàng phải sử dụng nhiều loại thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị, thực phẩm chức năng khác nhau, chứ không phải chỉ đơn giản là thoa một loại mỹ phẩm, mà có thể giải quyết hầu hết các vấn đề của làn da.

Website quảng cáo sản phẩm trị nám Nghĩa Tâm An. 

Việc Nghĩa Tâm An quảng cáo “thổi phồng” công dụng sản phẩm, dùng những từ ngữ “mập mờ”, “mượn” ý kiến các bác sĩ điều trị, người nổi tiếng... đã khiến NTD hiểu nhầm công dụng của sản phẩm.

“Kịch bản” tư vấn khách hàng của nhân viên Nhà thuốc Đông y Nghĩa Tâm An tự xưng là bác sĩ điều trị có “dấu hiệu” lừa dối NTD. Bên cạnh đó, việc khách hàng H. bị viêm da dị ứng sau khi dùng sản phẩm, nhà thuốc “trốn tránh” trách nhiệm phải chăng chất lượng sản phẩm có vấn đề nên nhà thuốc “phủi tay”?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Nguyễn Vũ Hải Anh: Từ diễn viên hài đến chủ chuỗi thời trang Seven.AM vướng nghi án ‘cắt mác tàu, dán nhãn Việt’(VietQ.vn) - Nguyễn Vũ Hải Anh là ông chủ đang sở hữu 24 cửa hàng thời trang thương hiệu Seven.AM - thương hiệu vừa bị "tố" nhập thêm hàng Trung Quốc, thay nhãn mác thành Made in Vietnam trên một số sản phẩm khăn, quần áo và đồ lót.

Theo Báo Người tiêu dùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang