Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa

author 06:22 03/02/2022

(VietQ.vn) - Trong 17 năm qua, hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được chú trọng và phát huy thế mạnh. Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL) về vấn đề này.

Trong năm 2021, công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm hàng hoá trên thị trường có gì nổi bật? Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã chủ trì, phối hợp thực hiện những hoạt động nào và kết quả ra sao, thưa ông?

Năm 2021, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Cục QLCL) đã chủ động triển khai kế hoạch công tác trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh việc tiến hành kiểm tra trên thị trường theo kế hoạch, Cục QLCL đã thực hiện khảo sát online qua internet, website để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật, và tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục, Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành pháp luật về chất lượng, nhãn hàng hóa. Về hoạt động khảo sát, kiểm tra hàng hóa, Cục QLCL đã kiểm tra, khảo sát tại 361 cơ sở (giảm 102 cơ sở so với năm 2020, và chuyển sang yêu cầu doanh nghiệp (DN) gửi báo cáo tình hình chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn Covid-19).

Đối với các mẫu nghi ngờ hoặc có dấu hiệu vi phạm, Cục QLCL đã gửi kết quả khảo sát đến các Chi cục TCĐLCL địa phương để xem xét triển khai kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có các mẫu khảo sát không đạt chất lượng và có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa nêu trên. Cục đã xử lý theo quy định đối với các mẫu kiểm tra không đạt chất lượng và cung cấp thông tin về các trường hợp hàng hóa lưu thông trên thị trường có kết quả kiểm tra, khảo sát không đạt chất lượng để cảnh báo cho người tiêu dùng.

Về hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, Cục QLCL đã tiếp nhận và kiểm tra 3.463 hồ sơ (5.741 lô) xăng, dầu DO, LPG, và dầu nhờn động cơ đốt trong. So với năm 2020, số hồ sơ lô hàng nhập khẩu xử lý trên 1 cửa quốc gia tăng 1.911 lô. Việc thực hiện tiếp nhận đăng ký và ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng, dầu, LPG, dầu nhờn động cơ nhập khẩu được thực hiện 100% trên hệ thống Một cửa Quốc gia, trừ một vài trường hợp do hệ thống trục trặc không gửi được hồ sơ điện tử thì doanh nghiệp gửi hồ sơ giấy qua bưu điện.

Về xử lý vi phạm, Cục QLCL đã xử lý theo thẩm quyền, tạm dừng lưu thông hàng hóa không đạt về chất lượng đối với 4.700 mét dây điện, 17.222 lít dầu nhờn động cơ, 13.265 lít xăng E5 RON92. Chuyển hồ sơ cho Tổng cục TCĐLCL, Sở KH&CN Quảng Nam xử phạt vi phạm hành chính đối với các lô xăng dầu, dây cáp điện không đạt chất lượng theo quy định của pháp luật với tổng số tiền phạt nộp ngân sách nhà nước 147.272.000 đồng, chuyển hồ sơ cho hải quan TP. Hồ Chí Minh tái xuất 10.068,745 tấn xăng RON92 nhập khẩu không đạt chất lượng...

Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL)  

Những năm gần đây, vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Theo ông, cần có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này?

Gần đây, tình hình buôn lậu xăng dầu diễn biến rất phức tạp, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi để qua mắt lực lượng chức năng. Chính vì vậy, rất cần những giải pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng này. Cụ thể: Thứ nhất là, nghiên cứu cơ chế, biện pháp quản lý, kiểm tra chất lượng xăng dầu trong bối cảnh phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, trong quá trình sản xuất. Trong đó, chú trọng hoạt động kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra chất lượng xăng dầu giữa cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa với cơ quan Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an,…Thực hiện tốt Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ban hành theo Quyết định số 36/2010/ QĐ-TTg ngày 15/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan kiểm tra chất lượng thuộc ngành KH&CN. Bổ sung, tăng cường nhân lực cho Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chi cục TCĐLCL địa phương. Đầu tư trang thiết bị thử nghiệm nhanh cho các cơ quan kiểm tra chất lượng xăng dầu từ trung ương đến địa phương. Tăng cường kinh phí cho hoạt động kiểm tra.

Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng SPHH. 

Thứ năm, nâng cấp phần mềm Kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu kết nối 1 cửa Quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu chất lượng xăng dầu của Bộ KH&CN.

Thứ sáu, tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về kiểm tra đo lường, chất lượng xăng dầu cho hệ thống cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác quản lý chất lượng xăng dầu: Trao đổi học tập kinh nghiệm về công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu với các nước; Tiếp nhận và xử lý các thông báo cảnh báo quốc tế về chất lượng xăng dầu; Kiểm tra chất lượng xăng dầu tại nước sản xuất.

Thời gian tới, Cục QLCL sẽ có những hoạt động nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thưa ông?

Thời gian tới, trong trạng thái linh hoạt, thích ứng an toàn Covid-19, Cục QLCL định hướng 5 nhiệm vụ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa: Một là, tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra đối với các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN, đảm bảo thích ứng an toàn Covid-19. Xử lý nghiêm đối với các trường hợp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thực hiện đúng, đầy đủ theo các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.

Bốn là, tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp, trao đổi thông tin quản lý giữa cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa với các cơ quan liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan...

Năm là, tăng cường nguồn lực, nhân lực, kinh phí cho hoạt động khảo sát, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà My - Hán Hiển (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang