Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia FTA thế hệ mới

author 11:24 03/10/2021

(VietQ.vn) - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1659/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới'.

Phòng vệ thương mại (PVTM) là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong chính sách thương mại, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, quan điểm của Đề án là cần nâng cao năng lực về PVTM, xây dựng và củng cố cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các ngành sản xuất, hiệp hội, doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn pháp lý để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường, phát triển xuất nhập khẩu bền vững.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế về PVTM để bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập, đặc biệt là tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tăng cường năng lực thực thi PVTM để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước phù hợp với cam kết quốc tế, từ đó từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Tăng cường năng lực thực thi phòng vệ thương mại

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực PVTM hoặc xây dựng Luật PVTM. Đội ngũ cán bộ ở các bộ, ngành, địa phương được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về việc sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM. Đội ngũ chuyên gia, tư vấn pháp lý có kiến thức chuyên sâu về PVTM để hỗ trợ các ngành sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Cơ chế phối hợp liên ngành trong lĩnh vực PVTM được xây dựng và củng cố nhằm đáp ứng yêu cầu về công tác PVTM trong bối cảnh mới, hỗ trợ xử lý các vụ việc nước ngoài điều tra PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Năng lực Cơ quan điều tra PVTM của Việt Nam được tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tương xứng với kim ngạch xuất nhập khẩu, hỗ trợ hiệu quả các ngành sản xuất trong nước.

Nội dung PVTM được đưa vào các chương trình, chiến lược, chính sách phát triển các ngành sản xuất trọng điểm. Tăng cường hợp tác quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, xây dựng các quy định về PVTM, giải quyết tranh chấp về PVTM trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do.

Ảnh minh họa

Hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra phòng vệ thương mại

Để đạt các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu mô hình cơ quan điều tra PVTM của các nước và tổng kết thực tiễn hoạt động ở Việt Nam, từ đó đề xuất hoàn thiện mô hình cơ quan điều tra PVTM.

Lựa chọn một số ngành sản xuất nền tảng, có tác động quan trọng đến phát triển kinh tế - xã hội để tăng cường năng lực PVTM trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại tự do. Xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, cập nhật về tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong các ngành này để kịp thời xem xét áp dụng biện pháp PVTM theo đúng quy định pháp luật.

Xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, phần mềm phục vụ cho công tác điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Xây dựng, vận hành cổng thông tin điện tử để cập nhật diễn biến các vụ việc PVTM liên quan đến Việt Nam, tạo điều kiện để các bên liên quan nộp và tiếp cận tài liệu dưới dạng dữ liệu điện tử. Thực hiện trực tuyến việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, bản trả lời trong quá trình điều tra các vụ việc PVTM.

Xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ và trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đánh giá khả năng áp dụng biện pháp PVTM, tác động của các vụ việc PVTM. Xây dựng, triển khai các chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp phục vụ công tác xử lý các vụ việc PVTM.

Phòng vệ thương mại (PVTM) là các công cụ được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước tình trạng nhập khẩu gia tăng gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Theo đó, PVTM bao gồm ba biện pháp là chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) và tự vệ được quy định tại ba Hiệp định tương ứng của WTO. Ngoài ra, các nước còn điều tra và áp dụng biện pháp chống lại các hành vi lẩn tránh ba biện pháp trên (thường gọi là biện pháp chống lẩn tránh).

Theo Cục PVTM, Bộ Công Thương, cho đến hết năm 2020, đã có 201 vụ việc PVTM do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu. Tính đến quý II/2021, đã có 207 vụ việc PVTM do 21 quốc gia/ vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Điều đáng lưu ý, trong năm 2020, Australia nổi lên là nước kiện PVTM nhiều thứ hai (sau Hoa Kỳ) với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với 7 vụ việc, bao gồm 4 vụ việc CBPG và 3 vụ việc CTC. Trong tất cả các vụ việc này, Australia đều điều tra rất nhiều chương trình trợ cấp và cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt - một biến thể khác của cáo buộc nền kinh tế phi thị trường.

Ngoài ra, hiện, hàng hóa bị áp dụng biện pháp PVTM nhiều nhất vẫn là sắt, thép các loại (chiếm 40,2% số vụ việc PVTM); nhựa và sản phẩm nhựa (chiếm 11,2%); xe cộ và phụ tùng (chiếm 10,2%); các thành phẩm từ sắt, thép (chiếm 9,0%) và máy móc, thiết bị điện, điện tử (chiếm 6,0%).

Qua các vụ việc do nước ngoài điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã cho thấy một số xu hướng chính. Đó là số lượng các vụ việc điều tra có xu hướng gia tăng. Theo đó, chỉ tính riêng trong năm 2020, số lượng vụ việc tiến hành điều tra đã bằng hơn gấp đôi số lượng vụ việc trong cả năm 2019 và dự kiến trong năm tới sẽ còn gia tăng số vụ việc. Phạm vi sản phẩm bị áp dụng các biện pháp PVTM cũng đang được mở rộng.

Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, có gần 60 loại sản phẩm, hàng hóa bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM. So với giai đoạn trước đó (từ năm 1994-2010) có 39 loại sản phẩm hàng hóa, chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông thủy sản và dệt may bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM, số lượng loại mặt hàng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM gần đây đã có sự mở rộng đáng kể.

Đồng thời, các vụ điều tra “kép” tăng lên. Trong đó, nếu trước đây chỉ có Hoa Kỳ thường điều tra “kép” đối với Việt Nam (điều tra cả hành vi trợ cấp và hành vi bán phá giá trong cùng một vụ việc) thì hiện nay rất nhiều nước như Ấn Độ, Canada, Australia cũng chuyển sang điều tra kép đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các cuộc điều tra này thường tạo ra gánh nặng lớn với cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan do lượng dữ liệu, thông tin phải cung cấp tăng lên gấp đôi trong cùng một khoảng thời gian như trước đây.

Ngoài ra, thời gian gần đây, “thị trường đặc biệt” là công cụ được nhiều nước sử dụng khi điều tra PVTM với các nước, đặc biệt là ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây được coi là biến thể của cách áp dụng “nền kinh tế phi thị trường”, thông qua “cáo buộc” Chính phủ nước xuất khẩu tác động đến thị trường nguyên vật liệu dẫn đến việc không sử dụng số liệu do doanh nghiệp kê khai trong tính toán biên độ bán phá giá, làm biên độ phá giá bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.

Mặt khác, các nước đang có xu hướng thắt chặt, đòi hỏi khắt khe hơn trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn hơn trong việc hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin và trả lời bản câu hỏi.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang