Năng suất lao động của Việt Nam đang ở đâu so với các nước trong khu vực?

author 06:10 09/02/2023

(VietQ.vn) - Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Năm 2020, NSLĐ toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động).

Giai đoạn 2011-2015, NSLĐ của Việt Nam luôn có xu hướng tăng, trong đó năm 2012 có tốc độ tăng thấp nhất (3,17%) và năm 2015 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,83%). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng NSLĐ toàn nền kinh tế đạt 4,53%. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, trong đó năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất (6,62%).

Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng NSLĐ chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05%, cao hơn tốc độ tăng bình quân của giai đoạn 2011-2015 là 1,52 điểm phần trăm và vượt mục tiêu tăng NSLĐ bình quân hằng năm đề ra.

Năng suất lao động của Việt Nam đang ở đâu so với các nước khu vực?

 Năng suất lao động của Việt Nam đang đang ngày càng thu hẹp khoảng cách so với các nước trong khu vực.

Tính theo sức mua tương đương (PPP 2017), NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 tăng bình quân 5,4%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Ma-lai-xi-a (1,3%/năm); Hàn Quốc (1,5%/năm); Xin-ga-po (1,7%/năm); Thái Lan (2,2%/năm); In-đô-nê-xi-a (2,6%/năm); Phi-li-pin (3,5%/năm). Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối với một số nước ASEAN có trình độ phát triển cao hơn.

Nếu năm 2011 NSLĐ của Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin lần lượt gấp NSLĐ của Việt Nam 12,4 lần; 4,3 lần; 2,1 lần; 1,7 lần và 1,3 lần thì đến năm 2020 khoảng cách tương đối này giảm xuống tương ứng còn 8,8 lần; 3 lần; 1,7 lần; 1,3 lần và 1,2 lần. So với một số nền kinh tế lớn của châu Á, khoảng cách tương đối về NSLĐ của Việt Nam so với Hàn Quốc giảm từ 6,1 lần xuống 4,3 lần; Nhật Bản từ 6,8 lần xuống 4,1 lần.

Tuy nhiên, mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Tính theo PPP 2017, NSLĐ của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Xin-ga-po; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Ma-lai-xi-a; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của In-đô-nê-xi-a và bằng 86,5% NSLĐ của Phi-li-pin. NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Cam-pu-chia (gấp 2,4 lần); My-an-ma (1,6 lần); Lào (gấp 1,2 lần).

Chênh lệch tuyệt đối mức NSLĐ (PPP 2017) của Xin-ga-po và Việt Nam tăng từ 130,4 nghìn USD năm 2011 lên 144,1 nghìn USD năm 2020; tương tự, của Hàn Quốc từ 58,8 nghìn USD lên 61,8 nghìn USD; Trung Quốc từ 6,1 nghìn USD lên 12,1 nghìn USD; Ấn Độ từ 1,3 nghìn lên 1,8 nghìn USD. Điều này cho thấy khoảng cách và thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt để có thể bắt kịp mức NSLĐ của các nước có trình độ phát triển hơn là khá lớn.

So với năng suất trên mỗi lao động đang làm việc, NSLĐ tính trên giờ làm việc thể hiện bức tranh rõ ràng hơn về sự thay đổi NSLĐ trong nền kinh tế do có thể kiểm soát tốt hơn tình trạng thiếu việc làm hiện phổ biến ở nhiều quốc gia đang phát triển. Theo kết quả Điều tra lao động việc làm, số giờ làm việc trung bình mỗi tuần của một lao động đang làm việc ở Việt Nam đã giảm dần từ 45,6 giờ trong năm 2011 xuống 41,9 giờ năm 2020.

Theo giá hiện hành, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2011 mới chỉ đạt 29 nghìn đồng, đến năm 2016 đạt 45,7 nghìn đồng; năm 2017 đạt 52,1 nghìn đồng; năm 2018 đạt 55,5 nghìn đồng; năm 2019 đạt 63,7 nghìn đồng. Năm 2020, năng suất lao động trên mỗi giờ làm việc theo giá hiện hành đạt 67,6 nghìn đồng/ giờ, cao hơn 3,8 nghìn đồng so với năm 2019 và gấp 2,3 lần năm 2011.

Theo giá so sánh, NSLĐ trên mỗi giờ làm việc năm 2020 tăng 4,5% so với năm 2019 và tăng 75,8% so với năm 2011; bình quân giai đoạn 2011-2020 tăng 5,94%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 5,17%/năm; giai đoạn 2016-2020 tăng 6,72%/năm. Tốc độ tăng NSLĐ trên một giờ làm việc của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2019 cũng cao hơn hầu hết các nước ASEAN và trong khu vực.

Năng suất lao động của Việt Nam đang ở đâu so với các nước khu vực?

  Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó NSLĐ đã có những cải thiện đáng kể cả về giá trị và tốc độ. 

Theo số liệu của Tổ chức năng suất Châu Á, NSLĐ trên một giờ làm việc tính theo sức mua tương đương (PPP 2017) của Việt Nam giai đoạn 2011-2019 tăng bình quân 5,27%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của Bru-nây (0,54%/năm); Ma-lai-xi-a (2,28%/năm); Lào (2,47%/năm); Xin-ga-po (2,69%/năm); Cam-pu-chia (2,99%)/năm); In-đô-nê-xi-a (3,43%/năm); Phi-li-pin (4,1%/năm); Thái Lan (4,52%/ năm); Mi-an-ma (5,72%/năm) và cao hơn Nhật Bản (0,95%/năm); Hàn Quốc (2,84%/năm); chỉ thấp hơn Ấn Độ (5,42%/năm); Trung Quốc (7,16%/năm).

Nếu tính NSLĐ trên một giờ làm việc theo sức mua tương đương (PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam chỉ bằng 8,99% mức năng suất của Xin-ga-po; 9,13% mức năng suất của Bru-nây; 23,21% của Malai-xi-a; 40,31% của Thái Lan; 49,31% của In-đô-nê-xi-a; 57,35% của Phi-li-pin; 99,51% của Lào.

NSLĐ của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á chỉ cao hơn NSLĐ của Campuchia (gấp 2 lần) và Mi-an-ma (gấp gần 1,6 lần). So với các nền kinh tế lớn của Châu Á, NSLĐ theo sức mua tương đương (tính theo PPP 2017) năm 2019 của Việt Nam bằng 13,12% Nhật Bản; 16,04% Hàn Quốc; 47,49% Trung Quốc và 77,76% Ấn Độ.

NSLĐ được đo bằng tổng hòa nhiều yếu tố, gồm yếu tố vĩ mô như quy mô nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách…, hay yếu tố vi mô như quy mô, nội lực của doanh nghiệp, khả năng ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh; chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng của người lao động, khả năng sử dụng nhân lực của doanh nghiệp… các chủ thể sử dụng lao động, đã tác động đến việc tăng NSLĐ và các yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới sự tăng lên hoặc giảm đi của NSLĐ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của Việt Nam còn ở mức thấp so với một số quốc gia trong khu vực, trong đó phải kể đến tiền lương tối thiểu, mức độ chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Về tiền lương tối thiểu, năm 2011 tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 76 USD/tháng/người, bằng 42,6% so với Thái Lan; 30,8% so với Phi-li-pin; 72% so với In-đô-nê-xi-a; 118% so với Cam-pu-chia; 170,8% so với Lào và rất thấp so với Nhật Bản (5%), Hàn Quốc (9%); Trung Quốc (71,7%). Đến năm 2019, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 181 USD/tháng/người, bằng 82,3% so với Thái Lan; 80,8% so với Phi-li-pin; 163,3% so với In-đô-nê-xi-a; 99,6% so với Cam-pu-chia; 143,1% so với Lào; 13,3% so với Nhật Bản; 12,1% so với Hàn Quốc; 83,5% so với Trung Quốc. Năm 2020, tiền lương tối thiểu của Việt Nam là 190 USD/tháng/người, bằng 81,3% so với Phi-li-pin; 14,1% so với Nhật Bản; 12,5% so với Hàn Quốc và 59,7% so với Trung Quốc. Mặc dù sau 10 năm, tiền lương tối thiểu của Việt Nam đã tăng gấp gần 3 lần nhưng vẫn thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên khoảng cách đã có sự thu hẹp đáng kể như với Thái Lan tăng từ 42,6% năm 2011 lên 82,3% năm 2019; Phi-li-pin tăng từ 30,8% năm 2011 lên 81,3% năm 2020; Nhật Bản từ 5% lên 14,1%; Hàn Quốc từ 9% lên 12,1%. 

Tỷ lệ các doanh nghiệp có chi cho nghiên cứu và phát triển của Việt Nam cũng rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Năm 2011, chỉ có 0,19% số doanh nghiệp của Việt Nam có chi nghiên cứu và phát triển, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan là 0,36%; Xin-ga-po là 2,07%; Phi-li-pin là 0,12%; Ma-lai-xi-a là 1,03%; Nhật Bản là 3,24%; Hàn Quốc là 3,74%; Trung Quốc là 1,78%; Ấn Độ là 0,76%. Đến năm 2017, tỷ lệ này của Việt Nam đã tăng lên 0,53% trong khi Thái Lan là 1%; Xin-ga-po là 1,94%; Nhật Bản là 3,21%; Hàn Quốc là 4,55%; Trung Quốc là 2,15%; Ấn Độ là 0,67%.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện NSLĐ cả về giá trị và tốc độ, nhưng để bắt kịp các nước trong khu vực, Việt Nam cần phải có những đột phá trong việc cải thiện năng suất quốc gia. Trong 3 thập niên đổi mới và hội nhập (1990-2020), NSLĐ của Việt Nam mới đạt tốc độ tăng bình quân lần lượt cho 3 giai đoạn là 5,7%/năm, 4%/năm và 5,3%/năm. Tuy vậy, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác.

Trong giai đoạn 2011-2020, tăng NSLĐ ngày càng có mức đóng góp ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trước năm 2015, độ doãng giữa tốc độ tăng GDP và tốc độ tăng NSLĐ lớn hơn nhiều so với giai đoạn từ năm 2015 trở lại đây. Điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng NSLĐ ngày càng tăng lên.

Gia đoạn 2011-2015, tăng NSLĐ làm tăng GDP nhiều hơn so với tăng lao động làm tăng GDP, đóng góp từ 54,84% đến 97,84% của tăng NSLĐ so với đóng góp từ 2,16% đến 45,16% của tăng lao động. Bình quân năm giai đoạn 2011-2015 tăng NSLĐ làm tăng GDP 4,60% với tỷ lệ đóng góp là 74,53%, còn tăng lao động làm tăng GDP 1,57% với tỷ phần đóng góp là 25,47%.

Giai đoạn 2016-2020, ở tất cả các năm đều có tăng NSLĐ làm tăng GDP cao hơn do tăng lao động làm tăng GDP, trong đó, năm 2020 tăng NSLĐ làm tăng GDP còn 4,79% so với tăng lao động làm tăng GDP giảm 1,92%; tương ứng với các tỷ phần đóng góp của tăng NSLĐ là 167,02% so với tỷ phần đóng góp của tăng lao động là -67,02%. Bình quân năm giai đoạn 2016-2020, tăng NSLĐ làm tăng GDP là 6,06% với tỷ phần đóng góp là 97,00% và tăng lao động làm tăng GDP 0,19% với tỷ phần đóng góp 3,00%.

Nhìn chung, trong 10 năm từ 2011 đến năm 2019, GDP luôn có tốc độ tăng từ 5,50% trở lên, riêng năm 2020 chỉ đạt 2,87% do dịch Covid-19, nhưng cả giai đoạn 2011-2020 vẫn có tốc độ tăng bình quân năm trên 6%. Và hơn nữa, trong tốc độ tăng lên của GDP thì chủ yếu là do tăng NSLĐ (bình quân 10 năm tăng GDP do tăng NSLĐ 5,33% với tỷ phần đóng góp là 85,87%, còn tăng lao động làm tăng 0,88% với tỷ phần đóng góp là 14,13%). Tốc độ tăng GDP do tăng NSLĐ chiếm tỷ trọng lớn và xu thế ngày càng tăng, chứng tỏ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang theo hướng phát triển bền vững.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang