Các yếu tố làm tăng năng suất lao động

author 12:31 04/02/2023

(VietQ.vn) - Năng suất lao động (NSLĐ) phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hoặc lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tổng cục Thống kê cho biết, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), NSLĐ tính bằng số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tạo ra cho một đơn vị lao động tham gia vào hoạt động sản xuất. Trong đó, hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế là Tổng sản phẩm trong nước (GDP); lao động tham gia vào hoạt động sản xuất tạo ra GDP phản ánh thời gian, công sức, kỹ năng của lực lượng lao động và thường được tính bằng số lao động đang làm việc hoặc giờ công lao động.

Ở Việt Nam, NSLĐ là một chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (quy định trong Luật Thống kê), được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm.

 Các yếu tố làm tăng năng suất lao động

 Tăng NSLĐ là một trong những tiềm lực để phát triển kinh tế.

Tăng NSLĐ là tăng thêm kết quả sản xuất từ một đơn vị lao động hay thời gian lao động hoặc giảm bớt số lao động hay thời gian lao động để tạo ra một đơn vị kết quả sản xuất (ở trên là một đơn vị GDP hoặc giá trị tăng thêm). Khái niệm này cho thấy, tăng NSLĐ lao động sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế. Một nền kinh tế có năng suất cao nghĩa là nền kinh tế đó có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa hoặc dịch vụ hơn với cùng một lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào, hoặc sản xuất ra số lượng hàng hóa hoặc dịch vụ tương đương với lượng nguyên liệu/yếu tố đầu vào ít hơn. Từ đó, đời sống của người dân được nâng lên, góp phần thúc đẩy và phát triển xã hội. Đối với doanh nghiệp, tăng NSLĐ tạo ra lợi nhuận lớn hơn và thêm cơ hội đầu tư. Đối với người lao động tăng NSLĐ dẫn tới lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn. Về lâu dài, tăng NSLĐ có ý nghĩa quan trọng đối với tạo việc làm. Đối với Chính phủ, tăng NSLĐ giúp tăng nguồn thu từ thuế.

Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều yếu tố làm tăng NSLĐ, song có thể quy về một số yếu tố chủ yếu chẳng hạn: Nhu cầu tiêu dùng của xã hội,  đây là yếu tố liên quan đến khối lượng, chất lượng và cơ cấu sản phẩm sản xuất ra. Tiêu dùng càng nhiều, chất lượng càng cao, đòi hỏi những sản phẩm làm ra với chất lượng tốt hơn (tức là có giá trị và giá trị sử dụng cao hơn) thì sẽ kích thích sản xuất mạnh hơn, sử dụng vốn và lao động tốt hơn. Ngược lại nếu nhu cầu tiêu dùng giảm đi sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn và lao động, do đó NSLĐ sẽ giảm đi. Nói cách khác, mục đích cuối cùng của sản xuất là tiêu dùng nên tiêu dùng là mục tiêu, là yếu tố kích thích sản xuất phát triển.

Yếu tố lao động, chất lượng lao động là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định tăng trưởng NSLĐ. Khoa học kỹ thuật công nghệ càng phát triển, máy móc thiết bị càng hiện đại thì càng đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn tương ứng. Người lao động có trình độ học vấn cao thì sẽ có khả năng tiếp thu nhanh chóng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tạo ra hiệu quả làm việc cao nhất. Đầu tư vốn con người ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua sản lượng, năng suất, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh (Black & Lynch 1997, Honig 2001, Blundell và cộng sự 1999, Barron và cộng sự 1989, Blackemore và Hoffman 1988). Nghiên cứu của Lynch và Sandra (1996) cho thấy có một mối quan hệ tích cực giữa số năm đi học của người lao động với năng suất và tác động của đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào chương trình đào tạo.

Yếu tố vốn sản xuất, muốn nâng cao NSLĐ, bản thân các doanh nghiệp phải có nguồn vốn sản xuất đủ lớn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại. Quy mô vốn hạn hẹp, công nghệ sản xuất lạc hậu là nhân tố cản trở tăng trưởng NSLĐ. Việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả cao hay thấp cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng cơ sở vật chất của từng ngành và toàn nền kinh tế, qua đó tác động tới tăng NSLĐ. Papadogonas và Voulgaris (2005), Sinada Naoki (2011) cho rằng tăng vốn sẽ thúc đẩy tăng NSLĐ. Sinada Naoki (2011) đã sử dụng dữ liệu mảng về các doanh nghiệp Nhật Bản giai đoạn 1977-2008 để chứng minh ảnh hưởng của vốn đến NSLĐ. Theo Papadogonas và Voulgaris (2005) tỷ lệ vốn bình quân trên mỗi lao động, tăng trưởng tài sản cố định bình quân trên mỗi lao động là nhân tố quyết định đến NSLĐ, hàm ý rằng doanh nghiệp nên đầu tư cho vốn nhân lực để có năng suất cao hơn. Rahmas (2009) thực hiện khảo sát 574 doanh nghiệp (264 doanh nghiệp sản xuất, 310 doanh nghiệp dịch vụ) của Ma-lai-xi-a năm 2001-2002 để đánh giá tác động của nguồn vốn nhân lực đến sản lượng và NSLĐ của doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ vốn trên lao động là nhân tố quyết định đến NSLĐ của doanh nghiệp sản xuất.

Kết quả nghiên cứu của Cin, B.C., Kim, Y.J. & Vonortas, N.S. (2017) cũng khẳng định cường độ vốn có quan hệ tỷ lệ thuận với NSLĐ. Tăng cường độ vốn sẽ làm gia tăng NSLĐ của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ của Hàn Quốc. Theo Nguyễn Văn Đông (2016), vốn đầu tư có tác động tích cực đến NLSĐ của doanh nghiệp ở Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Thị Lê Hoa (2016) đã chỉ ra doanh nghiệp có triển khai thực hiện các dự án R&D, có vốn đầu tư cho hoạt động R&D có NSLĐ cao hơn doanh nghiệp không chú trọng tới hoạt động đầu tư này.

Yếu tố tiền lương (tiền công), tiền thưởng là một yếu tố quan trọng góp phần tạo động lực thúc đẩy người lao động làm việc nâng cao NSLĐ. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của người lao động. Phấn đấu nâng cao tiền lương là yêu cầu tất yếu của người lao động, mục đích này tạo động lực để người lao động phát triển trình độ và khả năng lao động của mình.

Tiền lương cũng là một trong những công cụ kinh tế quan trọng nhất trong quản lý lao động, người ta dùng công cụ này để kích thích thái độ quan tâm đến lao động. Do đó, tiền lương là một nhân tố mạnh mẽ để tăng NSLĐ, hay nói cách khác, đối với người lao động, tiền lương là khoản thu nhập chính, để tăng tiền lương họ phải tăng NSLĐ.

Việc điều chỉnh và đưa ra chính sách tiền lương tối thiểu là rất quan trọng. Tiền lương tối thiểu mà phù hợp sẽ có tác động tốt đến người lao động với ý nghĩa làm một khoản thu nhập chính, từ đó bảo đảm được NSLĐ ổn định và tăng lên. Ngoài tiền lương, tiền thưởng, các phúc lợi xã hội cũng góp phần thúc đẩy nâng cao NSLĐ. Phúc lợi có thể là tiền, vật chất, chế độ… để động viên hoặc khuyến khích và đảm bảo anh sinh cho người lao động. Phúc lợi đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cũng như góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, từ đó thúc đẩy và nâng cao NSLĐ. 

 Các yếu tố làm tăng năng suất lao động

 Có rất nhiều yếu tố làm tăng năng suất lao động. 

Yếu tố các thể chế, chính sách kinh tế của Nhà nước có tác động mạnh đến sự tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Sự khuyến khích hay không khuyến khích sẽ tác động đến sự gia tăng mức tăng trưởng hay kìm hãm sự phát triển của một số ngành kinh tế, qua đó tác động đến tăng NSLĐ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vốn và hiệu quả quản lý hành chính ở doanh nghiệp và ở địa phương có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Luan, Jiang và Tien (2016) đã đưa ra kết luận rằng nếu quản lý có tính minh bạch hơn thì sẽ thu hút được nhiều đầu tư và tăng vốn lớn hơn. Hoặc nghiên cứu của Drabek và Payne (2002) cho rằng, tính minh bạch trong quản lý hành chính của một quốc gia sẽ tạo sức hút rất lớn để tăng đầu tư và vốn từ nước ngoài. Batra et al (2001) và Emery (2003) cùng đưa đến kết luận như nhau, họ cho rằng quá trình quản lý hành chính kém hiệu quả sẽ là nhân tố quan trọng quyết định đến lượng đầu tư tư nhân và tác động tới NSLĐ.  Lambsdorff (2003) cũng khẳng định rằng tham nhũng sẽ ảnh hưởng xấu tới dòng vốn. Nghiên cứu của Kelly (2014) cho thấy rằng tham nhũng là một trong những nhân tố làm giảm đáng kể năng suất kinh tế của quốc gia. 

Yếu tố sắp xếp lại cơ cấu sản xuất của nền kinh tế đòi hỏi sự di chuyển lao động từ ngành có NSLĐ thấp đến ngành có NSLĐ cao hơn của nền kinh tế và như vậy sẽ đưa đến NSLĐ của nền kinh tế sẽ tăng lên.

Sắp xếp lại cơ cấu sản xuất cũng chính là thực hiện phân công lại lao động xã hội và sự phân công lao động hợp lý là tạo điều điều kiện để người lao động đi sâu vào từng công việc phù hợp với khả năng và điều kiện làm việc của họ để họ làm việc có năng suất cao hơn.

Các yếu tố gắn liền với điều kiện tự nhiên đó là khí hậu, độ phì nhiêu của đất đai; rừng biển, hàm lượng và trữ lượng của các mỏ quặng, điều kiện môi trường làm việc…, các yếu tố này thuận lợi hay khó khăn sẽ ảnh hưởng tốt hay không tốt đến NSLĐ. Tuy nhiên việc thống kê và phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến tăng NSLĐ là vấn đề rất phức tạp, nó liên quan đến điều kiện thông tin và khả năng lượng hóa cụ thể của từng loại thông tin, nên thực tế phải căn cứ vào điều kiện cụ thể để vận dụng cho phù hợp. 

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang