Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện cho thương mại điện tử phát triển bền vững

author 08:47 11/01/2022

(VietQ.vn) - Hiện, gần như thứ gì cũng có thể tìm thấy trên các các kênh thương mại điện tử. Không chỉ đưa lên vô vàn những sản hẩm nhái thương hiệu cao cấp, với giá từ “thượng vàng” đến “hạ cám”, các sàn thương mại điện tử còn xảy ra thực trạng “quảng cáo một đằng giao hàng một nẻo”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, thương mại điện tử (TMĐT) là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công Thương đánh giá, hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên không gian mạng được thực hiện dưới nhiều phương thức, thủ đoạn xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; xâm phạm quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Các hành vi vi phạm pháp luật có tính ẩn danh rất cao, dễ giả mạo, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch người thực hiện; dễ tẩy xóa, sửa chữa, thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng, không phân biệt ranh giới, khu vực. Đối tượng có thể ở tại vị trí này để hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại ở một vị trí khác.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện phát triển thương mại điện tử bền vững. Ảnh minh họa. 

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, trung bình mỗi năm, Cục xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại từ người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online.

“Các nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến việc thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ; người bán hàng lừa đảo, bán và giao hàng hóa, sản phẩm không đúng quảng cáo; hay khó tiếp cận đơn vị bán hàng hoặc các kênh tư vấn, hỗ trợ khách hàng của sàn TMĐT trong trường hợp muốn phản ánh khiếu nại và không được giải quyết thoả đáng khi xảy ra tranh chấp...”, ông Quảng cho hay.

Người tiêu dùng cũng phản ánh, hiện nay gần như thứ gì cũng có thể tìm thấy trên các các kênh TMĐT. Không chỉ đưa lên vô vàn những sản hẩm “nhái” thương hiệu cao cấp, với giá từ “thượng vàng” đến “hạ cám”, các sàn TMĐT còn xảy ra thực trạng “quảng cáo một đằng giao hàng một nẻo”.

Không ít người tiêu dùng đã mất tiền oan vì khi đặt hàng, hàng hóa được quảng cáo chất lượng, hình thức bắt mắt bao nhiêu thì khi đến tay, người tiêu nhận được sản phẩm lại gây thất vọng bấy nhiêu. Thực trạng “méo mó” này chính là lý do khiến niềm tin của người tiêu dùng đối với các kênh TMĐT suy giảm.

Vì vậy, để chủ động phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho TMĐT phát triển bền vững, tháng 9/2021, Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về hoạt động TMĐT. Bên cạnh nhiều quy định mới về quản lý hoạt động TMĐT nói chung, Nghị định số 85/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua TMĐT.

Đồng thời, hiện nhiều sàn TMĐT đang áp dụng quy trình kiểm soát bằng hệ thống từ khoá, bộ lọc và triển khai bộ phận nhân sự kiểm duyệt để nhanh chóng phát hiện sản phẩm vi phạm. Ngoài ra, các sàn còn thiết lập chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm để tạo điều kiện cho người tiêu dùng phản hồi thông tin, từ đó có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang