Vì sao hàng giả vẫn tràn lan trên thị trường dù cơ quan chức năng nhiều lần ngăn chặn?

author 06:44 05/01/2022

(VietQ.vn) - Nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan ngoài thị trường dù lực lượng chức năng vẫn không ngừng tăng cường các biện pháp ngăn chặn chính là do sự bất hợp lý về cung-cầu hàng hóa.

Theo ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động du lịch, giao lưu thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng, đặc biệt là lực lượng chức năng vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, các lực lượng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới để tăng cường công tác phòng, chống dịch, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép nên chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm so với những năm trước.

Mặc dù có giảm, tuy nhiên ông Đặng Văn Dũng nhận định, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn sẽ còn diễn ra dai dẳng, nguyên nhân là do sự bất hợp lý về cung - cầu hàng hóa, lợi nhuận lớn, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng; tâm lý sính hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng nhấn mạnh việc một số chính quyền, địa phương chưa thực sự quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; một bộ phận cán bộ, công chức còn tha hóa cũng tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tồn tại.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hoá. Ảnh minh hoạ 

Cùng quan điểm trên, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm chức năng… lừa dối người tiêu dùng trong việc điều trị, nâng cao sức khỏe.

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán, giới thiệu các sản phẩm giả, sử dụng địa bàn đi lại khó khăn, khu vực thưa dân cư để cất giấu hàng hóa… phục vụ kinh doanh online. Bên cạnh đó, cá nhân dễ dàng tìm mua sản phẩm từ nước ngoài trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Trước tình hình đó, lực lượng Quản lý thị trường đã có nhiều biện pháp đấu tranh đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm chức năng…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 66.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 352,15 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chưa bán ước tính trên 136 tỷ đồng. Trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 392 tỷ đồng.

Trong đó, đã chuyển cơ quan điều tra, xem xét trách nhiệm hình sự đối với 157 vụ; đã xử lý 26 vụ; đang xem xét 81; 50 vụ được chuyển trả để xử lý vi phạm hành chính.

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang