Ngành hàng không Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm khí thải carbon
Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON
Phát triển miếng dán có khả năng cảnh báo rò rỉ sau phẫu thuật
Cảnh báo chiêu trò lừa đảo gửi thông báo trúng thưởng tới tận nhà
Cảnh giác trước tình trạng giả danh lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Theo Giáo sư Nawal Taneja - Chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực hàng không, ngành hàng không toàn cầu đang phải làm khá nhiều thứ để thân thiện hơn với môi trường. Bất kể phải mất nhiều thời gian như thế nào, kể cả chúng ta chỉ có 1% điều kiện để làm thì chúng ta cũng phải dùng toàn lực, dùng 100% khả năng để giảm phát thải. Tuy nhiên, tôi thấy tiến độ của chúng ta khá là chậm. Chúng ta cần phải có kế hoạch và chiến lược toàn diện hơn. Và chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn, làm từng bước.
Nhằm giải quyết bài toán giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp “xanh hóa” nhằm xây dựng hình ảnh một “hãng hàng không xanh”. Vào tháng 5/2023, Vietnam Airlines đã triển khai tặng hành khách túi tái chế từ áo phao cũ, phục vụ suất ăn từ các thực phẩm bền vững và kêu gọi hành khách mang đồ dùng cá nhân thay vì sử dụng các vật phẩm dùng một lần trên chuyến bay như cốc giấy, bàn chải đánh răng, chăn, áo ấm. Gần đây nhất, hãng triển khai thu hồi, tái cấp các sản phẩm thực phẩm khô, dụng cụ dùng một lần đảm bảo chất lượng sau chuyến bay và quyên góp cho tổ chức giải cứu thực phẩm VietHarvest.
Ảnh minh họa
Ông Lê Hồng Hà – Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, thách thức lớn của Vietnam Airlines cũng như ngành hàng không để đạt được Net Zero chính là sử dụng nhiên liệu sạch SAF. Cái này hiện tại sản xuất có 0,1% so với nhu cầu của các hãng hàng không. Ngành hàng không phải tìm ra những phương án để có nhiều nhà sản xuất. Chi phí hiện tại để sản xuất SAF gấp 2 đến 3 lần so với nhiên liệu bay hóa thạch hiện tại.
Tương tự như Vietnam Airlines, hãng hàng không Vietjet cũng đã thực hiện các chuyến bay ít phát thải CO2, đầu tư đội tàu bay mới, hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh nỗ lực của các hãng hàng không, các cảng hàng không cũng đang nỗ lực triển khai các hệ sinh thái xanh. Mới đây, mô hình A-CDM được đưa vào triển khai tại 2 nhà ga lớn nhất cả nước giúp xác định chính xác thời gian cất cánh, hạ cánh, giảm thiểu được nhiên liệu phải sử dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiến trình giảm phát thải của hàng không còn tương đối chậm và phía trước còn rất nhiều thách thức cần có sự chung tay vào cuộc từ chính phủ đến các nhà sản xuất tàu bay, các hãng hàng không và hành khách.
Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hay nhiên liệu hydro là những giải pháp khả thi để ngành hàng không có thể thực hiện mục tiêu Net Zero phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nhưng thay vì chờ đợi đến thời điểm các nhiên liệu xanh được đưa vào sử dụng hàng loạt thì các hãng hàng không cần thay đổi thân thiện với môi trường từ những vật tư, vật liệu nhỏ nhất, hành khách cũng cần có ý thức hạn chế rác thải khi tham gia di chuyển.
Hiện nay, các hãng hàng không trên toàn cầu đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải khi hoạt động đi lại phục hồi. Các quốc gia tham dự cuộc họp năm ngoái của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) đã cùng nhau đặt mục tiêu đạt mức phát thải dòng bằng "0" trong ngành hàng không vào năm 2050. Một số nước châu Âu và các quốc gia khác đang thúc đẩy các mục tiêu tạm thời về nhiên liệu thay thế được gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được sản xuất từ các nguyên liệu như dầu ăn đã qua sử dụng.
Các liên minh tập trung vào chuỗi cung ứng bao gồm nhiều phương thức vận tải đang giảm bớt sự phức tạp bằng cách cho phép các chủ hàng tham gia vào nỗ lực khử cacbon. Lấy ví dụ, Trung tâm vận chuyển hàng hóa thông minh (SFC) giúp các công ty đa quốc gia theo dõi, báo cáo và cuối cùng là giảm lượng khí thải CO2 của họ, SFC đã tạo ra Khung Hội đồng Phát thải Hậu cần Toàn cầu (GLEC). Hơn 100 công ty đa quốc gia sử dụng Khung GLEC để tiết lộ lượng khí thải hậu cần của họ và đó là một trong những đầu vào chính cho tiêu chuẩn ISO mới.
Theo bà Sophie Punte - Người sáng lập Trung tâm Vận tải Thông minh, việc phát triển tiêu chuẩn ISO là bước thiết yếu để xây dựng độ tin cậy của phương pháp GLEC và thúc đẩy sự chấp nhận toàn cầu, ứng dụng nhất quán của chính phủ, nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia.
“Khung GLEC và sắp tới là tiêu chuẩn ISO 14083 sẽ cho phép tính toán và báo cáo nhất quán về lượng khí thải hậu cần toàn cầu. Nếu được kết hợp với công nghệ chuỗi khối, lĩnh vực này có thể mang đến một cuộc cách mạng minh bạch,” bà Sophie Punte chia sẻ.
ISO 14083 sẽ mở rộng quy mô các nỗ lực tập thể. Nó sẽ cung cấp công cụ duy nhất để thúc đẩy hành động vì khí hậu, tạo ra các chính sách, lộ trình giảm lượng khí thải và theo dõi tiến độ. Được phát triển thông qua quy trình nhiều bên liên quan, tiêu chuẩn ISO dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ lớn hơn từ các chính phủ trên toàn thế giới, từ đó tăng cường sự liên kết giữa kế toán của công ty và chính phủ cũng như báo cáo về phát thải hậu cần.
ISO 14083 bao gồm cả vận tải hành khách và hàng hóa. Điều này sẽ đảm bảo một hướng dẫn chung của ngành để tính toán và báo cáo lượng khí thải từ vận chuyển hàng hóa và hậu cần. Phụ lục sẽ cung cấp hướng dẫn cụ thể theo ngành về các vấn đề như loại tàu, giá trị cường độ phát thải mặc định và các ví dụ tính toán đã thực hiện đối với vận tải đường thủy nội địa, bổ sung cho các điều khoản của tiêu chuẩn chính. Đây được coi là cơ hội quan trọng để ngành đảm bảo sự phù hợp giữa thực tiễn hiện tại của ngành và Tiêu chuẩn quốc tế được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến hạn chế phát thải khí nhà kính trong tương lai từ giao thông vận tải.
Các bước quan trọng là cần thiết để giảm hơn nữa lượng khí thải liên quan đến thương mại. Cuối cùng, việc cung cấp các tính toán điểm chuẩn đáng tin cậy với phạm vi địa lý đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa theo cách sạch nhất, hiệu quả nhất có thể, lựa chọn phương thức và phương tiện vận chuyển tiết kiệm nhiên liệu, báo cáo lượng khí thải và xác định các công nghệ, chiến lược khả thi nhất để giảm lượng khí thải.
Khánh Mai