Ngành xi măng đổi mới công nghệ để phát triển bền vững

authorHòa Lê 07:07 04/10/2018

(VietQ.vn) - Ngành xi măng đã có nhiều đổi mới về công nghệ nhằm cải tạo sản xuất, nâng công suất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Ngành xi măng đã có nhiều đổi mới về công nghệ nhằm cải tạo sản xuất, nâng công suất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Cụ thể:

Các dây chuyền sản xuất nhỏ được lên kế hoạch đầu tư theo chiều sâu nhằm cải tạo sản xuất, nâng công suất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Công nghệ lò đứng được thay thế bằng công nghệ lò quay có công suất cao hơn. Hệ thống mới đẩy nhanh tiến trình phản ứng trong lò quay, tiết kiệm năng lượng và sử dụng hệ thống làm nguội bằng ghi quay. Đánh giá bản chất, các nhà máy xi măng hiện đại của Việt Nam được đầu tư dây chuyền sản xuất với thiết bị công nghệ cao bậc nhất thế giới, với mức độ tự động hóa tiên tiến ở mọi công đoạn.

Ngành xi măng đổi mới công nghệ để phát triển bền vững

 Đổi mới công nghệ là yêu cầu tất yếu với ngành xi măng

Đặc biệt, ngành xi măng hiện nay đang thực thi các giải pháp công nghệ để xử lý các chất thải từ nhà máy đưa vào sử dụng làm nguyên liệu, nhiên liệu trong sản xuất nhằm mục đích vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế vừa giải quyết vấn đề môi trường. Nhiệt thừa trong sản xuất xi măng sẽ được sử dụng để phát điện, đây là biện pháp giúp tiết kiệm năng lượng đồng thời góp phần lớn bảo vệ môi trường.

Hiện nay đã có 10 dây chuyền sản xuất xi măng có trạm phát điện sử dụng nhiệt thừa từ phế thải công nghiệp. Đây cũng là vấn đề được Nhà nước quan tâm và vào cuộc thông qua việc lắp đặt hệ thống kiểm tra môi trường trực tuyến tại nhà máy sản xuất, tự động kết nối đến sở tài nguyên và môi trường của các tỉnh để quản lý. Xi măng Việt Nam cũng đang tiến hành thay đổi công thức pha trộn xi măng, giảm 10% clinker, thay vào đó là 10% phụ gia để cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đồng thời giảm được một lượng tương ứng khí thải độc hại ra môi trường.

Để từng bước đổi mới công nghệ, khẳng định vị trí top đầu thị trường xi măng phía Nam, Tổng Công ty Xi măng FiCO đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (TCVN 17025:2005) Vilas 270 và sản phẩm xi măng FiCO PCB 40 đạt tiêu chuẩn TCVN 6260:2009, đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Ông Nguyễn Quang Trung - Tổng Giám đốc Tổng Công ty FiCO cho biết, trong thời gian tới (2016-2020), bên cạnh công tác sản xuất và tiêu thụ, Xi măng FICO Tây Ninh sẽ triển khai dự án đầu tư dây chuyền 2 có công suất thiết kế 1,24 triệu tấn clinker, dây chuyền nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn xi măng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018.

Ngành xi măng đổi mới công nghệ để phát triển bền vững

 Hiện nay đã có 10 dây chuyền sản xuất xi măng có trạm phát điện sử dụng nhiệt thừa từ phế thải công nghiệp

Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nghiền liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới (thông thường theo tiêu chuẩn thiết kế mỗi lò chạy hết công suất khoảng từ 250-325 ngày); chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000-200.000 đồng/tấn.

Ông Đào Ngọc Bình, Tổng Giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, để phát triển mạnh theo chiều sâu, Vicem Hoàng Thạch đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang