Ngành xi măng đổi mới sản xuất để giảm chi phí, tăng hiệu quả

(VietQ.vn) - Ngành xi măng đang đối mặt với yêu cầu tăng trưởng bền vững, giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu xây dựng hiện đại.
Philippines ban hành kết luận sơ bộ điều tra tự vệ đối với sản phẩm xi măng
Phát triển vật liệu thay thế xi măng và cát được làm trực tiếp từ nước biển, điện và CO2
Yêu cầu kỹ thuật về độ chịu lửa, bao gói của xi măng alumin theo tiêu chuẩn
Tiết kiệm năng lượng nâng cao năng suất sản xuất xi măng
Đề xuất tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng phụ gia cho vật liệu xi măng và vật liệu xây dựng
Tiềm năng phát triển của ngành xi măng
Theo dự báo của Công ty Nghiên cứu, phân tích kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và các ngành công nghiệp BMI (Business Monitor International), ngành xây dựng toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4,5% trong vài năm tới, với đà phát triển mạnh mẽ ở khu vực châu Á, một số nước châu Phi và Trung Đông. Đặc biệt, BMI cũng dự báo ngành xây dựng Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 6,5% trong 10 năm tới nhờ lợi thế dân số đông và sự phát triển kinh tế chung của quốc gia. Những số liệu này cho thấy ngành sản xuất xi măng có thể duy trì mức tăng trưởng ổn định, trong khi các ngành liên quan như sản xuất kính xây dựng có thể chỉ chịu ảnh hưởng nhẹ từ biến động thị trường.
Ngành xi măng cần không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Theo dự báo của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa dự kiến sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 85 – 95 triệu tấn vào năm 2025 và có thể lên đến 100 – 110 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, sản lượng xi măng xuất khẩu có thể chỉ ổn định ở mức 25 – 35 triệu tấn trong vòng 10 năm tới. Những xu hướng này cho thấy, mặc dù thị trường trong nước ngày càng phát triển, doanh nghiệp sản xuất xi măng cũng cần chú trọng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và xu hướng xây dựng các công trình bền vững, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cải tiến công nghệ và tối ưu quy trình sản xuất để ngành xi măng phát triển bền vững
Các công trình xây dựng hiện đại ngày càng đòi hỏi khả năng chịu lực, độ bền theo thời gian, tiết kiệm năng lượng và chi phí xây lắp, đồng thời chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng và kính xây dựng cũng đang hướng tới phát triển theo mô hình tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường. Để gia tăng cạnh tranh, không ít chuyên gia và doanh nghiệp nhận định rằng cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Điển hình như Công ty Cổ phần Xi măng Tân Quang (VVMI) ghi nhận nhiều thành công nhờ vào các sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 2023, phong trào phát huy sáng kiến tại công ty đã đạt được 21 giải pháp cải tiến được công nhận, mang lại giá trị làm lợi gần 600 triệu đồng. Các giải pháp này đã giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm tiêu hao nguyên vật liệu và từ đó cải thiện hiệu quả sản xuất. Bước sang năm 2024, phong trào này lại tiếp tục bùng nổ với 28 giải pháp được công nhận, tổng giá trị làm lợi lên tới 3,1 tỷ đồng – cao gấp hơn năm trước năm lần.
Những sáng kiến này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và góp phần xây dựng hình ảnh doanh nghiệp hiện đại, tiên phong trong đổi mới công nghệ.
Một trong những sáng kiến nổi bật nhất năm 2024 của VVMI là giải pháp lắp đặt thêm vòi đốt than và mở rộng cổ thắt buồng khói. Anh Đặng Quang Thành, người trực tiếp thực hiện sáng kiến, cho biết: “Trong quá trình sản xuất, chúng tôi nhận thấy quá trình đốt than trong lò nung clinker gặp phải tình trạng tiêu hao nhiệt lớn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Sau khi nghiên cứu, nhóm tác giả đã đề xuất lắp đặt thêm hai vòi phun than kết hợp cải tạo cổ thắt buồng khói nhằm tối ưu hóa quá trình đốt nhiên liệu. Kết quả đạt được là công ty đã tiết kiệm được hơn 3 tỷ đồng, đồng thời cải thiện chất lượng clinker, tăng tỷ lệ phụ gia trong quá trình nghiền xi măng và giảm tiêu hao clinker.” Đây là minh chứng cho thấy sự kết hợp giữa sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công nghệ hiện đại không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế mà còn góp phần nâng cao hiệu suất sản xuất của cả ngành.
Không chỉ riêng VVMI, nhiều doanh nghiệp xi măng khác cũng đang nỗ lực đổi mới công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ví dụ, Xi măng Bỉm Sơn đã thực hiện thành công dự án chuyển đổi công nghệ hệ thống nghiền xi măng đến đóng bao từ năm 2019, giúp nâng công suất sản xuất lên 4,5 triệu tấn/năm. Dự án này không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt sản lượng nghiền xi măng mà còn giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhanh chóng yêu cầu chuyển đổi chủng loại xi măng theo nhu cầu của khách hàng. Công ty luôn chú trọng tái cấu trúc mô hình tổ chức, nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như áp dụng các chỉ số đánh giá mức độ hoàn thành công việc (KPI) để nâng cao năng lực sản xuất cho từng bộ phận trong các công đoạn sản xuất.
Hay Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai đã hoàn thành công tác sửa chữa, cải tạo chiều sâu và xử lý nút thắt công đoạn lò nung clinker tại dây chuyền sản xuất. Sau cải tạo, năng suất lò nung tăng lên khoảng 300 tấn clinker/ngày so với trước cải tạo (tương đương 100.500 tấn clinker/năm) và đạt mức tăng 600 tấn clinker/ngày so với năng suất thiết kế ban đầu (201.000 tấn clinker/năm). Bên cạnh đó, tiêu hao nhiệt cho sản xuất clinker giảm khoảng 45 kcal/kg và tiêu hao điện năng giảm trên 2 kWh/tấn clinker.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tình - Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất của Vicem Hoàng Mai, toàn bộ thiết bị cho dự án cải tạo này đều được gia công, chế tạo trong nước, góp phần giảm chi phí đầu tư và đẩy nhanh tiến độ dự án. Tổng mức đầu tư sơ bộ lên tới 70 tỷ đồng, với dự kiến thu hồi vốn sau hơn 1 năm và hiệu quả tiết kiệm tài chính đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, việc thực hiện chương trình cải tạo còn mang lại hiệu quả lớn về bảo vệ môi trường nhờ khả năng sử dụng rác thải làm nhiên liệu thay thế.
Các chuyên gia cho rằng, để duy trì và phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất xi măng cần tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc tạo dựng môi trường làm việc cởi mở, khuyến khích sáng kiến từ cán bộ công nhân viên cũng là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trên cơ sở các thành công đã đạt được, ngành xi măng Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình với sự kết hợp đồng bộ giữa đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cải tiến quản lý chất lượng. Những bước tiến này không chỉ giúp ngành sản xuất xi măng duy trì mức tăng trưởng ổn định mà còn góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành xây dựng trong nước và hội nhập với xu hướng xây dựng bền vững toàn cầu. Qua đó, ngành xi măng không chỉ là "trụ cột" của nền kinh tế mà còn là minh chứng cho sự đổi mới sáng tạo và khả năng cạnh tranh vượt trội của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Duy Trinh (t/h)