Nghệ sĩ và câu chuyện nghệ danh

author 10:42 19/08/2012

(VietQ.vn) - Ngày nay, mỗi khi nghe tên tuổi của những nghệ sĩ trẻ được xướng lên, lại thấy giật mình vì những trào lưu, văn hóa đặt nghệ danh “kì quặc” trong làng giải trí Việt.

Trào lưu…Tây hóa

Cùng với sự mở cửa, văn hóa phươn Tây du nhập vào Việt Nam ngày càng ào ạt, nghệ sĩ ở hải ngoại trở về Việt Nam sinh sống và biểu diễn cũng nhiều lên, vì thế, làng giải trí Việt không còn lạ gì với những cái tên Jennifer Phạm, Dustin Nguyễn, Jony Trí Nguyễn, Charlie Nguyễn, Tina Tình hay Kathy Uyên… Đối với họ, sống nhiều năm, thậm chí sinh ra ở nước ngoài nên việc mang một cái tên nửa Tây nửa ta là điều dễ hiểu, thậm chí còn đáng trân trọng vì vẫn giữ được gốc gác dân tộc.

Trong khi đó, không hiểu vì lẽ gì, những ca sĩ, diễn viên “made in Việt Nam” 100% lại xuất hiện ngày càng nhiều với những nghệ danh rất lạ tai như Akira Phan, Wanbi Tuấn Anh, Huyền Baby, thậm chí, bỏ hẳn gốc gác Việt, có nghệ sĩ trẻ còn xuất hiện với những cái tên mà thoạt nghe cứ như ca sĩ nước ngoài sang Việt Nam biểu diễn như Chan Than San, Wanbo… Cũng theo trào lưu đó, Hoa hậu thời trang Trương Tri Trúc Diễm cũng đổi từ cái tên Việt Nam vừa đẹp vừa nổi tiếng sang nghệ danh Baby J. Vì thế, dạo khắp thị trường giải trí Việt Nam hiện nay, công chúng không khỏi đau đầu bởi những nghệ danh nghe "xủng xoảng" như Tùng Min, Hạnh Sino, Thủy Top, Noo Phước Thịnh, Reno Bình, Ally Trần,…

Trúc Diễm khi đi hát đã đổi nghệ danh thành Baby J
Trúc Diễm khi đi hát đã đổi nghệ danh thành Baby J

Hội nhập hay lai căng?

Có thể, đặt nghệ danh như vậy là do ý thích, cũng có thể thấy người khác đặt thì mình cũng đặt theo cho…đúng mốt. Cũng có nghệ sĩ cho rằng, đặt những cái tên như thế để dễ “nổi”. Song có lẽ, cách đặt tên ấy là ở tư tưởng những người đặt nghệ danh nửa Tây nửa ta. Họ muốn hướng đến sự hội nhập, toàn cầu hóa, mà nói một cách dễ hiểu là họ muốn vươn tới thị trường giải trí nước ngoài, được thế giới công nhận như những ngôi sao, để danh tiếng họ vượt biên giới, để tài năng và nhan sắc của họ cống hiến cho toàn nhân loại?.

Song, ước mơ cũng cần dựa trên thực tế là tài năng và nỗ lực của mỗi cá nhân. Trong tình trạng đáng báo động của dòng nhạc trẻ hiện nay với những ca sĩ nhợt nạt, không màu sắc, cá tính, không tài năng nổi trội, biểu diễn và trang phục na ná như nhau, bài hát có giai điệu na ná như nha, ca từ sống sượng, nghèo nàn, thậm chí còn ngô nghê, phản cảm đến tức cười thì liệu xu hướng của thứ nghệ thuật mà các nghệ sĩ kia phục vụ liệu có tồn tại lâu dài được trong nước chứ đừng nói vươn xa ra thế giới?.

Noo Phước Thịnh

Khi mới xuất hiện, ban nhạc Bức Tường cũng có đôi lần lấy tên nhóm của mình theo tiếng anh là “The Wall”, nhưng sau rất nhiều thăng trầm, mới đây, Bức Tường vẫn trở lại với cái tên nguyên bản là Bức Tường, và trong lòng người hâm mộ cũng chỉ có duy nhất một ban nhạc Rock Việt đầy cá tính Bức Tường mà thôi, cái tên “The Wall” đã biến mất từ bao giờ, bởi thêm một chút ngoại ngữ cũng chẳng làm nên sự thành công, mà cốt yếu là tài năng và sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

Chắc hẳn cũng nhiều người còn nhớ, người mẫu, hoa hậu Trương Tri Trúc Diễm khi đứng trên sân khấu với vai trò là một ca sĩ đã “được” nhạc sĩ Trần Tiến thẳng thắn nhận xét rằng “hát quá tệ”. Như vậy, hội nhập như thế nào có vẻ như là một ước mơ quá xa vời. Trong khi đó, không cần phải nhắc cũng nhớ, Việt Nam có những họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi thuần Việt mà được cả thế giới biết đến như Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Bùi Xuân Phái, hay những ca sĩ, nghệ sĩ đi vào lòng công chúng Việt bao nhiêu năm như Lê Dung, Ngọc Tân, Ánh Tuyết, Hồng Nhung, Trọng Tấn…

TN.
 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:nghe danh, nghe si

tin liên quan

video hot

Về đầu trang