Người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản

author 09:05 21/11/2014

Về trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm còn chưa đầy đủ. Đề nghị người đó phải kê khai tài sản trung thực và kê khai thu nhập cá nhân của mình... đó là những vấn đề được ĐBQH đặt ra tại buổi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Nghị quyết 35 của QH (sửa đổi, bổ sung), về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Đại biểu QH Đồng Hữu Mạo, lấy phiếu tín nhiệm, kê khai tài sản, quốc hội

Đại biểu QH Đồng Hữu Mạo.

Không lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để vận động 

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết 35, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói: Về trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm nêu tại khoản 3, Điều 6 chưa đầy đủ. Đề nghị người đó phải kê khai tài sản trung thực và kê khai thu nhập cá nhân của mình. 

Ông Dân cho hay: Tại khoản 5, Điều 6 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến ĐBQH hoặc đại biểu HĐND. Tôi thấy quy định như vậy chưa bao quát. 

Tôi đề nghị cần bổ sung là “quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu QH hoặc đại biểu HĐND dưới bất kỳ hình thức nào”. Theo ông Dân, nên đồng thời quy định những đại biểu QH, HĐND nào nếu nhận được thông tin tác động đến mình, cần báo đến trưởng đoàn đại biểu QH, tổ trưởng HĐND để tập hợp báo cáo Thường vụ QH, Thường trực HĐND. “Việc xử lý các trường hợp này như thế nào thì trong nghị quyết cũng chưa quy định rõ. Tôi đề nghị cần làm rõ”- ông Dân nói. 

Về hệ quả đối với người không được QH, HĐND tín nhiệm, ông Dân đề nghị cần quy định theo hướng: “Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND xem xét quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức với người đó. 

Lấy phiếu 2 lần/nhiệm kỳ và nên chỉ có hai mức

ĐBQH Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm đã ghi nhận sự cố gắng của các vị trưởng ngành chưa có phiếu tín nhiệm cao tại kỳ họp thứ 6 như Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Thống đốc NHNN. Cử tri đánh giá cao hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.Tuy nhiên, ông Hà đề nghị trong giải trình phải có đánh giá bổ sung thêm tác dụng của việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu căn cứ vào kết quả trong thời gian vừa qua. 

Ông Hà không đồng tình với giải thích của UBTV QH, nếu như 2 năm không đủ thời gian để đánh giá thì vừa xong chúng ta bỏ phiếu lần đầu tiên ở kỳ họp thứ 6, đến kỳ họp thứ 8 chỉ một năm mà chuyển biến rất rõ nét, được đại biểu và cử tri cả nước ghi nhận. 

Ông Hà đề nghị, mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần. Lần thứ nhất là cuối năm thứ 2 và lần thứ 2 là cuối năm thứ 4. Quá trình dãn ra đủ để các vị là đối tượng lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. 

“Cử tri phản ánh nên lấy phiếu tín nhiệm ở 2 mức, là tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu gọi là tín nhiệm cao thì căn cứ vào số phiếu tín nhiệm nhiều hay ít chứ không phải 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp”, ông Hà cho hay.

Còn ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) bày tỏ quan điểm không đồng tình với mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm như Nghị quyết 35 quy định. Bởi theo ông Mạo: Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không phải là nâng cao năng lực hiệu quả của QH và HĐND. “Nghe như vậy rất là khôi hài. Mà mục đích của lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao chất lượng của bộ máy nhà nước lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thực chất lấy phiếu để xem xét đánh giá cán bộ, còn bỏ phiếu là miễn nhiễm”- ông Mạo phân tích. 

Đồng quan điểm, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) phân tích thêm: “Hằng năm các chức danh này đều được đánh giá ở đơn vị nơi công tác. Vì vậy thời gian sau 2 năm lấy phiếu là để cố gắng thúc đẩy trách nhiệm của mình. Cử tri phản ánh lấy phiếu chỉ nên đưa ra 2 mức “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, bởi giả sử “không tín nhiệm” thì sẽ giúp người lấy phiếu cố gắng hơn, giúp tác động mạnh đến thành viên lấy phiếu ở các cấp”.

Theo Lao động


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang