Tay không thể cử động được vì làm móng gel trong nhiều năm liền

author 07:51 12/05/2023

(VietQ.vn) - Một người phụ nữ ở Anh bị đau và viêm nặng, đồng thời móng tay bắt đầu rụng sau nhiều năm làm móng gel.

Lisa Dewey (36 tuổi ở Northamptonshire, Anh) đã làm móng gel trong nhiều năm mà không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên gần đây, cô bị đau và viêm nặng, đồng thời móng tay bắt đầu rụng.

Lisa Dewey nói với South West News Service, cơn đau bắt đầu vào tháng 2, khi cô nhận thấy bộ móng tay mới sơn của mình bị sưng tấy do lớp sơn bóng bong ra khỏi ngón tay. Vào thời điểm đó, các bác sĩ cho rằng triệu chứng này là do nhiễm vi khuẩn. Lisa Dewey đã được kê cho một loại kem steroid và thuốc kháng sinh để tự điều trị.

Sau thời gian dùng thuốc, cơn đau và các dấu hiệu nhiễm trùng biến mất. Vì vậy, bác sĩ đã làm móng acrylic để thay thế cho cô vào tháng 4. Tuy nhiên chỉ trong vài ngày, móng tay của cô bắt đầu bong ra khỏi lớp móng. Lisa Dewey mô tả làn da của cô giống như “giấy rách” khỏi các ngón tay, khiến cô đau đớn đến mức “gần như không thể” cử động tay.

 Toàn bộ móng tay của Lisa Dewey bị hỏng do dùng gel lâu ngày. Ảnh: Zing

Mối lo lắng của cô càng tăng cao khi chẳng mấy chốc móng tay chuyển sang màu tím, khiến cô nghi ngờ mình bị dị ứng với các sản phẩm làm móng. Cơn đau kéo dài khiến cô suy nhược đến mức phải vật lộn để gội đầu cho con gái, cầm bút, rửa bát đĩa hay thậm chí thắt dây an toàn khi lái xe. Các đầu ngón tay bị viêm khiến cô hạn chế sử dụng mỹ phẩm và chăm sóc da thông thường vì chúng làm trầm trọng thêm sự khó chịu.

Lisa Dewey nói: "Điều này đã đánh mất sự tự tin của tôi rất nhiều. Tôi thường không quan tâm người ta nghĩ gì về mình, nhưng bây giờ tôi giấu tay mình đi".

Dù là người đam mê làm móng, cô đã thề sẽ vĩnh viễn tránh xa các sản phẩm làm móng và cảnh báo những người khác về phản ứng mà sản phẩm làm móng có thể gây ra.

Theo một báo cáo của BBC, các bác sĩ da liễu đã báo cáo về sự gia tăng các phản ứng dị ứng với móng acrylic và móng gel. Hóa chất methacrylate được sử dụng trong sơn móng tay bằng acrylic và gel được biết đến là nguyên nhân gây dị ứng khi tiếp xúc, Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh (BAD) đã gọi hiện tượng này là "đại dịch" ở Anh và Ireland trong những năm gần đây.

Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh (BAD) lưu ý các hóa chất này có thể gây phát ban nghiêm trọng, ngứa ngáy ở bất cứ đâu trên cơ thể, khiến cho việc chẩn đoán nguồn gốc của phản ứng trở nên khó khăn. Trong một số trường hợp, mọi người cho biết móng tay của họ bị lỏng hoặc rơi ra.

Một nghiên cứu năm 2018 của Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh ước tính 2,4% số người bị dị ứng với ít nhất một loại hóa chất được sử dụng trong sơn móng tay bằng acrylic và gel.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec cho biết, sơn móng tay là 1 trong những phương pháp làm đẹp được rất nhiều chị em phụ nữ yêu thích. Tuy nhiên, để tạo nên những lọ sơn móng tay đầy màu sắc bắt mắt ấy, có rất nhiều các thành phần hóa chất khác nhau gây mài mòn, tổn thương móng tay.

Thông thường, một lọ sơn móng tay được cấu thành bởi yếu tố tạo màu và các dung dịch lỏng để làm bóng sơn, chủ yếu bao gồm các thành phần: acetone, ethyl acetate, phthalate dibutyl, formaldehyde. Trong lọ sơn móng tay, có 3 chất gây tác động nghiêm trọng đến móng tay cũng như sức khỏe của người làm móng và làm nghề là: dibutyl phthalate, formaldehyde và toluene.

Trong thành phần của 1 lọ sơn móng tay còn bao gồm các sắc tố khoáng sản, bột màu tổng hợp. Những sắc tố này khi tiếp xúc trong thời gian dài ở móng sẽ làm vàng hoặc thâm màu móng, thay vì móng màu trắng ngà bình thường.

Ngoài ra, trong quá trình cắt hoặc sửa móng tay, nhiều người thường có thói quen cắt sát vào phần chân của móng, phần thịt ở đầu móng bị lộ ra. Thói quen này không hề tốt, bởi khi bị mất lớp sừng cứng bảo vệ, phần thịt lộ ra sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.

Thông thường, các lọ sơn móng tay thường có mùi hơi hắc, nếu tiếp xúc thường xuyên và ngửi mùi sơn móng tay, các thợ làm móng sẽ gặp những vấn đề liên quan tới thần kinh. Nguyên nhân do trong sơn móng tay có chứa thành phần triphenlyphosphate, loại này làm ảnh hưởng đến não, bởi nó hoạt động giống chất độc. 

Thành phần toluene có trong sơn móng tay khi bốc hơi trong không gây kích thích thần kinh, mắt, cổ họng và phổi như: thấy buồn nôn, cay mắt, cảm giác như “say”. Tiếp xúc lâu dài với các hóa chất trong sơn móng theo các chuyên gia nghiên cứu sẽ làm ảnh hưởng tới tim, gan, phổi. Benzen có trong sơn tẩy móng khi vào phổi cũng hấp thu rất nhanh, tiếp đến vào gan, tủy sống, tế bào mỡ, ảnh hưởng tới các chất trong tủy xương, cản trở sự tạo máu. Sau đó gắn vào các protein, ADN, làm trở ngại tăng trưởng, tái tạo, gây đột biến tế bào.

An Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang