Người tiêu dùng: "Chờ được vạ, má đã sưng" (Bài 3)

author 15:26 28/06/2012

(VietQ.vn) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) quy định, quyền được an toàn là một trong 8 quyền của NTD. Thế nhưng sau 1 năm luật có hiệu lực, quyền này dường như vẫn không được đảm bảo khi NTD hàng ngày vẫn bị thực phẩm bẩn bủa vây…

Bài 3: Người tiêu dùng "sống trong sợ hãi"

Trái cây có chất bảo quản khiến NTD thêm lo lắng. Ảnh: Thanh Uyên
Trái cây có chất bảo quản khiến NTD thêm lo lắng. Ảnh: Thanh Uyên

Hàng loạt vụ "đầu độc" NTD từ thực phẩm bẩn

Thời gian vừa qua, thông tin mắm tép chưng thịt làm bằng thịt thối, rau quả tẩm hóa chất, xí muội có chì… cùng một loạt vụ thực phẩm bẩn thẩm lậu vào Việt Nam bị phanh phui khiến NTD trong nước hoang mang, lo sợ.

NTD còn lo lắng hơn khi một số mẫu thịt lợn ở Đà Nẵng bị phát hiện có chất tạo nạc. Mới đây nhất là vụ gà bẩn tại các chợ đầu mối Hà Nội bị Chi cục Quản lí thị trường phát hiện, bắt giữ với số lượng lớn khiến NTD như “ngồi trên đống lửa”.

Theo công bố mới đây của Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm và Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), kết quả kiểm tra bột ở khu vực phía bắc, trong tổng số 81 mẫu bột có 50-80% mẫu chứa Rhodamine B với hàm lượng từ 20,2-110,2 mg/kg. Trong 31 mẫu xúc xích được kiểm tra có đến 11 mẫu sử dụng nitrit; 3/25 mẫu sử dụng phẩm màu kiềm là loại không được phép dùng trong thực phẩm; 10 trong số 64 mẫu bún, bánh phở, bánh giò, bánh su sê có sử dụng hàn the là chất không có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng. 12,5% mẫu thực phẩm có hàm lượng acid benzoic và sorbic vượt quá giới hạn quy định, tập trung chủ yếu ở các mẫu nước giải khát, bánh su sê...

Không chỉ là thực phẩm bẩn, các chất phụ gia để làm xương nhanh nhừ, làm tươi thực phẩm ôi thiu... cũng đang được bày bán giăng giăng với giá rẻ như bèo.
Điều này một lần nữa khiến người dân mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm mà mình tiêu dùng hàng ngày, tâm trạng "sống trong sợ hãi" thường xuyên đeo đẳng các bà nội trợ mỗi khi lựa chọn thực phẩm ngoài thị trường.

Làm NTD thông thái không dễ

Theo thống kê, hiện Việt Nam có tới 1.200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực phẩm và an toàn thực phẩm do các đơn vị ban hành gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND các tỉnh thành trên cả nước.

Hình phạt cũng rất cụ thể, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, có nhiều hóa chất độc hại cho sức khỏe con người.

Sự cố chất tạo nạc khiến NTD dè dặt hơn với thịt lợn. Ảnh: Thanh Uyên

Thế nhưng, không khó để nhận thấy tình trạng bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm. Theo một số chuyên gia, nhìn vào công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm của các ngành chức năng không thấy được đâu là giải pháp "xương sống", ai làm "nhạc trưởng" điều phối. Và hậu quả là khi vụ việc xảy ra, không một cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm cuối cùng trước dư luận và chỉ có NTD tự gánh chịu.

Trong khi đó, nhận thức của NTD lại khác nhau, người biết thông tin nguy hại cho sức khỏe thì tìm hiểu xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm, đọc kỹ thành phần, hạn sử dụng ghi trên bao bì, người không biết (nhất là bà con ở các vùng quê) thì cần là mua và không quan tâm nhiều đến an toàn thực phẩm. Vì thế lời khuyên "Hãy làm người tiêu dùng thông thái" trở nên không giá trị với 70% dân số sống ở nông thôn.

Luật An toàn thực phẩm và Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã có hiệu lực 1 năm. Hàng ngày, các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục được báo chí thông tin, nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe NTD rõ ràng chưa dừng lại. Điều đó cho thấy NTD vẫn đứng trước những thách thức về sự mất an toàn khi sử dụng thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày.

Có thể có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho sự bất cập này, nhưng một khi quyền được an toàn của NTD đã được luật hóa, rõ ràng phải được chú trọng thực hiện, kể cả khi luật chưa thực sự có sức nặng thực tiễn.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang