Người tố cáo tráo thủy tinh thể bị mất danh hiệu, nhắn tin đe dọa?

author 13:36 01/10/2013

(VietQ.vn) - Bác sỹ Thủy, người dũng cảm đứng lên đấu tranh tổ cáo những sai phạm trong quá trình thay tinh thể bệnh nhân của lãnh đạo Bệnh viện Mắt Hà Nội nhận được những tin nhắn lạ với nội dung đe dọa. Bản thân chị cũng bị mất hết danh hiệu suốt thời gian đi tố cáo lãnh đạo bệnh viện.

Sự kiện:

Bị cắt danh hiệu tiên tiến vì tố cáo sai phạm lãnh đạo?

Qua báo chí, BS Thủy – người tố cáo tiêu cực tại BV mắt Hà Nội tỏ ra không hài lòng về cách trả lời của lãnh đạo BV khi cho rằng không có chuyện trù dập người tố cáo. Thậm chí lãnh đạo BV mắt còn nói là đã tạo điều kiện và cho BS Thủy đi học nâng cao nghiệp vụ, bỏ phiếu để đạt danh hiệu người tốt việc tốt...

Tuy nhiên, BS Thủy lại khẳng định, cái được coi là “tạo điều kiện” trên diễn ra từ trước thời điểm đi tố cáo. Điển hình, chị Thủy được cử đi học nâng cao nghiệp vụ từ năm 2008, trong khi thời điểm chị tố cáo bắt đầu từ năm 2011.

Những tin nhắn lạ gửi đến người tố cáo vụ việc đánh tráo thủy tinh thể ở BV Mắt Hà Nội

Kể từ khi tố cáo, chị cho biết luôn bị cắt danh hiệu người tốt việc tốt trong cả hai năm 2012, và 2013. Thậm chí năm 2012 khi bỏ phiếu lần 1 chị được 11/19 phiếu. Nhưng trước ngày bỏ phiếu lần 2, lãnh đạo bệnh viện đã điều chuyển một điều dưỡng để “dằn mặt”. Cuối cùng, kết quả lần 2 chị Thủy chỉ được 5/19 phiếu, và bị cắt danh hiệu người tốt việc tốt…  

Khẳng định thường xuyên bị trù dập, BS tố cáo cho biết, lãnh đạo bệnh viện luôn tìm cách bẫy để xử lý kỷ luật người đi tố cáo. Với BS phẫu thuật, điều quan trọng nhất là được mổ, tuy nhiên từ khi đi tố cáo, BS Thủy được phân số ca mổ rất ít, trước đây khoảng 10 ca thì giờ chỉ còn 1 – 2 ca mỗi ngày.

“Ngay sau khi tố cáo vụ việc với Bí thư thành ủy Phạm Quang Nghị trong buổi tiếp xúc cử tri vào sáng 24/9 thì lãnh đạo BV đã biết được vụ việc. Ngay chiều hôm đó BV đã không phân mổ cho tôi. Khi hỏi thì lãnh đạo bệnh viện bảo không biết bao giờ tôi đến BV nên không phân mổ” – chị Thủy cho biết.

Không chỉ tạo sức ép trong công việc, những người đi tố cáo còn phản ánh tình trạng bị “khủng bố” bằng tin nhắn, trực tiếp có, người thân cũng có.

Để chứng minh điều này, một người đi tố cáo đã đưa cho chúng tôi đọc một tin nhắn “khủng bố” trước đây mà chị vẫn còn lưu lại:

Tin nhắn được viết không dấu, nhưng có thể hiểu là: "Mày có con kiến kiện củ khoai. Đừng có làm rối lên. Đừng hòng làm gì được. Phải biết mình là ai. Không mang họa vào thân. Đồ khố rách áo ôm!"

Ngoài những vấn đề trên, những người đi tố cáo còn dẫn ra nhiều vụ việc cụ thể khác, nhưng không (hoặc chưa) có bằng chứng cụ thể nên không muốn thông tin.

Trước những hành vi trên, BS Thủy cho biết đã phản ánh với Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, yêu cầu người tố cáo tiêu cực phải được bảo vệ theo đúng quy định.

“Vụ việc này đã kéo dài hai năm nay. Nhiều người thân, bạn bè đã gọi điện cho tôi động viên, an ủi, khuyên bảo… Tôi chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía, nhưng sức mạnh lớn nhất để tôi đứng vững được chính là vấn đề y đức và quyền lợi chính đáng của người bệnh” – BS Thủy chia sẻ.

Đại biểu Quốc hội bất bình

"Vì đồng tiền mà làm trái với lương tâm của người làm y đức là không thể chấp nhận”, bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội bức xúc khi trao đổi với PV về vụ việc ở Bệnh viện mắt Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội đã lên tiếng về vụ việc này song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

bà Khá cho rằng, trước mắt thì ngành y tế và UBND TP. Hà Nội phải vào cuộc để làm rõ mức độ vi phạm của từng cá nhân, tập thể để có hình thức xử lý nghiêm. Cần thiết cơ quan Công an phải vào cuộc để làm rõ mức độ vi phạm xảy ra tại bệnh viện này.

“Việc xử lý những sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Mắt Hà Nội, theo tôi cũng phải phụ thuộc vào từng mức độ vi phạm để xử lý hành chính hay xử lý hình sự, nếu cần thiết phải xử  hình sự và quan trọng hơn là phải xử lý đúng người đúng tội, không được bao che, dung túng cho những sai phạm vì đây là vi phạm đạo đức của người thầy thuốc”, bà Khá nhấn mạnh.

Bà Khá cho hay, việc sai phạm này là vi phạm nghiêm trọng đến vấn đề y đức của người thầy thuốc, ví dụ như nếu người bệnh được dùng đúng chất liệu thay thế khi mổ mắt thì khả năng bệnh tình sẽ tốt hơn khi phải dùng những chất liệu thay thế kém chất lượng. Và người bệnh sẽ được đảm bảo về sức khỏe tốt hơn khi dùng những chất liệu thay thế có chất lượng tốt. Nếu bệnh viện thay thế tráo nhân thủy tinh thể cho bệnh nhân bằng những chất liệu kém, là việc làm mất đạo đức. Nếu vì đồng tiền mà làm trái với lương tâm của người làm làm y đức là không thể chấp nhận được.

“Việc sai trái này xảy ra tại bệnh viện mắt Hà Nội, theo tôi, không chỉ quy trách nhiệm của Sở Y tế mà còn có trách nhiệm của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Y tế. Vì trách nhiệm của Thành phố Hà Nội là quản lý trực tiếp về mặt con người”, bà Khá nói.

Cũng theo bà Khá, việc để xảy ra những sai phạm tại bệnh viện mắt Hà Nội phải quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu tại bệnh viện này đến đâu, khi để xảy ra những sai phạm như vậy. Và nếu người đứng đầu để xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật, và khi đã làm rõ sai phạm đúng vào trường hợp nào thì phải xử lý nghiêm trường hợp đó.

 

 

PV (Tổng hợp từ Infonet)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang