Bệnh nhân thay thủy tinh thể Bệnh viện mắt Hà Nội “kêu trời”

author 05:55 30/09/2013

(VietQ.vn) – Cổ nhân có câu “giàu hai con mắt, có đôi bàn tay” vậy nên những bệnh nhân nghèo dù có khó khăn, tốn kém đến nhường nào họ đều gom góp tài sản đi chữa trị mong sớm lành bệnh. Điều mà những người bệnh sau khi thực hiện phẫu thuật thay thủy tinh thể tại Bệnh viện mắt Hà Nội mong mỏi lại diễn ra hoàn toàn trái ngược.

Sự kiện:

Khổ lắm chú ạ!

Qua danh sách các bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện mắt Hà Nội vào giai đoạn cuối năm 2011 do bác sỹ Nguyễn Thị Thủy cung cấp, chúng tôi tìm về gia đình bệnh nhân để tìm hiểu xem sau phẫu thay thủy tinh thể bây giờ tình trạng sức khỏe của họ ra sao. Tìm đến nhiều nhà người bệnh, tất cả đều kêu trời và tỏ thái độ không hài lòng với cách điều trị ở Bệnh viện mắt Hà Nội do bác sỹ Vũ Thị Thanh làm Giám đốc.

 

Bà Ngoan thất vọng với việc thay thủy tinh thể ở Bệnh viện mắt Hà Nội

Bà Vũ Thị Ngoan (SN 1933, ở tổ 8, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP.Hà Nội) cho biết: Giữa tháng 7, bà hay bị đau mắt, nhìn thấy mọi vật mờ đi vào lúc gần tối và cảm giác khó chịu. Bà đăng ký đi mổ mắt ở bệnh viện mắt Hà Nội. Sau 1 tháng, mắt bà lại có cảm giác đau nhức, đỏ mắt và bị chảy nước mắt nhiều, rồi như bị dặm xung quanh vòm mắt…

“Đến bệnh viện mắt thì bà được B.S Quang cho biết là mắt bà vẫn bình thường, không có dấu hiệu bị nhiễm trùng sau mổ, tuy nhiên bà bị như vậy là do hiện tượng bị viêm giác mạc hai bên mắt. Vì cảm giác khó chịu như vậy nên gần như theo chu kỳ, cứ tầm 2 tháng bà lại đi bệnh viện 1 lần để vừa kiểm tra và lấy thuốc uống và thuốc nhỏ mắt”, bà Ngoan nói.

Theo lời anh Quang (con trai bà Ngoan), chi phí cho ca phẫu thuật của bà hết tầm 6 triệu đồng tuy nhiên vì có Bảo hiểm Y tế (BHYT) nên bà được giảm hơn 1 triệu và gia đình phải đóng 4 triệu đồng.

“Tưởng sau phẫu thuật bệnh đã khỏi, nhưng ai dè nay lại phải kèm theo chứng bệnh mới mà trước khi đi phẫu thuật bà chưa từng bị và phải thường xuyên đi viện khám và mua thuốc, chi phí cho mỗi lần đi là 200 nghìn đồng. Nghĩ thấy thương bà cụ quá chú ạ!”, anh Quang vừa nói vừa bức xúc.

Thay thủy tinh thể xong mắt càng mờ thêm?


 

Cũng không khá khẩm hơn là bao, ông Nguyễn Văn Chinh (xã Quang Tiến, Sóc Sơn, Hà nội) cho biết, mình thực hiện ca mổ vào ngày 11/7/2011 tại bệnh viện mắt Hà Nội. Tuy nhiên sau đó vẫn không nhìn rõ, ngoài ra còn bị thêm triệu chứng như nhức mắt, nhỉ nước và bị ngứa xung quanh mắt.

Thấy bệnh tình có vẻ nặng thêm, ông chinh có đi khám lại thì được các bác sỹ cho biết khả hồi phục chậm nên bị như vậy và được cắt thuốc nhỏ mắt và thuốc uống.

Sau nhiều lần thấy mắt có dấu hiệu kém dần, ông tìm đến bệnh viện mắt và vẫn những câu trả lời như vậy nên ông đã không lên bệnh viện nữa vì chi phí thêm tốn kém mà bệnh tình cũng không thuyên giảm được phần nào.

Cùng tâm trạng bức xúc, bà Đinh Thị Phai (SN 1951, Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, sau buổi chiều đi làm đồng về, thấy mắt nhìn mọi vật kém hẳn rồi dần dần cứ mờ nhòe đi. Bà có nhờ  con rể dùng xe máy đi hàng chục km lên Bệnh viện mắt Hà Nội khám bệnh thì được các bác sỹ cho biết tình trạng hai mắt của bà cần phải thực hiện phẫu thuật sớm, không thì sẽ có nguy cơ bị hỏng hoàn toàn. Sau đó bà đã về làm thủ tục đăng ký để được mổ mắt vào tầm giữa tháng 11/ 2011 và phải nộp hết 1 triệu tiền chi phí cho toàn bộ ca phẫu thuật.

Bà Phai cho biết, mắt bà bị đau, nhức và có nước chảy ra, tấy đỏ sau khi thực hiện thay thủy tinh thể ở BV mắt Hà Nội

Theo lời bà Phai, sau ca phẫu thuật thay đổi thủy tinh thể ở BV mắt Hà Nội chẳng được bao lâu, đôi mắt bà lại bị đau nhức và có nước chảy ra, ngoài ra ở hai bên mắt thi thoảng lại còn bị tấy đỏ. Về sau nhìn mọi vật bị mờ đi. Con rể đưa đi khám lại thì được các bác sỹ cho biết mắt bà vẫn bình thường và đề nghị bà bốc thuốc uống. Nhưng về vẫn không đỡ nên tôi đã phải đi cắt kính thuốc đeo hàng ngày. Dù bị vướng vì không quen tuy nhiên khi đeo kính vào bà có cảm giác đỡ hơn. Và lên bệnh viện huyện thường tín để lấy thuốc uống cho gần nhà.

Bà Phai rầu rĩ: Trước đây, khi chưa đi mổ mắt tôi còn có thể phụ giúp con cái việc nhà.  Sau khi đi mổ mắt về suốt mấy tháng đã kiêng kỹ không động vào việc gì rồi, nay thì lại càng không vì có đi ra đường làm việc gì vào nhà là lại bị đau nhức, cả ngày chỉ ngồi nhà chăm giữ các cháu mà thôi. Nếu có chữa khỏi bệnh thì chi phí bao nhiêu tôi cũng sẽ làm, chứ mà cứ như thế này thì thật là khổ quá!

Người trong cuộc nói gì?

Thường xuyên tham gia các ca phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, Bệnh viện Mắt Hà Nội nhập 3 loại dịch nhầy để phục vụ cho các ca Phaco là Hyprosol (Ấn Độ), Suncoat Plus (Mỹ) và Douvis của hãng Alcon (Mỹ). Trong số này, dịch nhầy Douvis có giá đắt nhất, xấp xỉ 500 nghìn đồng/hộp 2 tuýp, gấp đôi dịch nhầy Hyprosol. Dựa vào tình trạng thị lực của từng người, bác sĩ sẽ tư vấn cho họ nên sử dụng loại dịch nhầy và nhân mắt nào cho phù hợp.

Nhà sản xuất đều khuyến cáo người bệnh nên sử dụng dịch nhầy và nhân mắt cùng hãng để đạt hiệu quả cao nhất sau khi phẫu thuật. Mỗi ống dịch nhầy (tùy loại) có thể được bác sĩ sử dụng cho 1-5 bệnh nhân. “Dù sử dụng đủ các loại dịch nhầy nhưng suốt một thời gian dài bệnh nhân phẫu thuật đục thủy tinh thể phải chịu một mức giá 490.000 đồng cho một ống dịch nhầy tốt nhất (dịch nhầy Douvis). Năm 2011, đã có khoảng 3.000 bệnh nhân phẫu thuật đục thủy thể phải thanh toán mức giá 490.000 đồng/ống dịch nhầy và đến nay số tiền mà bệnh viện thu được từ việc “chặt chém” người bệnh có thể lên tới hàng tỉ đồng” - bác sĩ Thủy phản ánh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Châu (BV Mắt Hà Nội) cho rằng, cùng một loại nhân mắt Hoya (Singapore), Bệnh viện Mắt Trung ương thu 2,82 triệu đồng trong khi Bệnh viện Mắt Hà Nội thu tới 3,2 triệu đồng.

Hóa đơn điều trị, kiểm tra của bệnh nhân tại Bệnh viện mắt Hà Nội sau phẫu thuật thay thủy tinh thể

Trả lời báo chí cách đây không lâu, bác sĩ Cao Mỹ Lệ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết rất ngạc nhiên khi bệnh viện thu người bệnh cùng một mức giá đối với các loại dịch nhầy. Bà Lệ cho biết trước đây bệnh viện chỉ sử dụng dịch nhầy của Ấn Độ (có giá từ vài chục nghìn tới hơn 100 nghìn đồng) trong các ca phẫu thuật thuộc chương trình phòng chống mù lòa và được tài trợ miễn phí.

“Dịch nhầy Douvis nổi tiếng bởi chất lượng tốt, trong khi dịch nhầy khác thường lỏng hơn và có thể ảnh hưởng tới chất lượng phẫu thuật. Việc sử dụng dịch nhầy, nhân mắt không đúng có thể làm tổn thương tế bào nội mô của giác mạc gây phù giác mạc, suy giảm thị lực sau mổ. Tại bệnh viện chúng tôi chỉ sử dụng nhân mắt và dịch nhầy của hãng Alcon bởi nó được phổ biến trên thế giới. Giá thành dịch nhầy Douvis cao hơn rất nhiều so với dịch nhầy còn lại. Bây giờ họ thu đồng giá như thế thì thiệt thòi thuộc về người bệnh nghèo. Không hiểu số tiền chênh lệnh lớn như thế đã đi đâu và được dùng vào việc gì?” - bà Lệ đặt nghi vấn.

 

 

Liên quan đến vụ việc thay thủy tinh thể diễn ra ở Bệnh viện mắt Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế đã đánh giá, công tác quản lý của bệnh viện có những thiếu sót, tồn tại như: Chưa xây dựng bảng giá chi tiết các khoản thu đối với bệnh nhân mổ Phaco trong đó có dịch nhầy; Bệnh viện báo cáo việc chi phí sử dụng dịch nhầy 490.000 đồng/1 ca mổ nhưng chưa có tài liệu chứng minh; Bệnh viện tính thu chung dịch nhầy cộng với vật tư tiêu hao, không tách riêng các khoản này. Trên cơ sở này, ông Hiền đã yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện và cá nhân Giám đốc BV nghiêm túc kiểm điểm trong việc quản lý bệnh viện; Ban giám đốc bệnh viện chỉ đạo các phòng ban, cá nhân liên quan nghiêm túc kiểm điểm việc để xảy ra sai sót nêu trên; xây dựng bảng giá chi tiết phù hợp với việc mổ Phaco và báo cáo với cơ quan quản lý. (Còn nữa)

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam bày tỏ: “Quả thật là đã có thêm một vụ việc rất buồn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Vấn đề y tế liên quan đến tất cả mọi người, sức khỏe là quý hơn hết. Vì vậy, trước một hành vi tiêu cực thì chúng ta đều thấy rất là đau, những người có tấm lòng đều lên án. Chắc chắn trước một vụ việc cụ thể như vậy, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải chỉ là xử lý cá nhân hay tập thể xảy ra sự việc đó, bởi vì trong ngành Y tế đa phần y bác sĩ là người tốt, hết lòng vì người bệnh, nhưng bên cạnh đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” thì chúng ta phải đấu tranh. Điều quan trọng nhất là khi xảy ra những vụ việc như vậy, chúng ta phải rà soát lại xem tại sao lại xảy ra như vậy? Nếu cơ chế sơ hở chỗ nào thì chúng ta phải sửa đổi, điều chỉnh trên tinh thần hết sức cầu thị, hoặc nếu do lý do chính trị tư tưởng thì chúng ta phải chấn chỉnh chung”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, ngành Y tế đang rất quyết liệt, một mặt để nâng cao y đức, một mặt phải xem lại quá trình xã hội hóa đầu tư y tế.

“Chúng tôi mong rằng báo chí tiếp tục vào cuộc để phát hiện ra những điều bất cập, để phát hiện các tiêu cực nếu có, để các Bộ, ngành chức năng và ở đây là Bộ Y tế xử lý. Thái độ của Chính phủ là nghiêm túc xem xét, nhưng cũng không quên những cố gắng của ngành Y, không quên rất nhiều gương tốt của các bác sĩ. Chúng ta rất buồn với những trường hợp như vậy, nhưng chắc chắn các y bác sĩ tốt còn buồn hơn rất nhiều”, ông Đam nói.

 

Hoàng Giáp - Phùng Gia

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang