Nguy cơ gây hại sức khỏe khi dùng nước ép từ rau, trái cây để giảm cân

author 09:32 06/06/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay để giảm cân nhiều chị em dùng một số nước ép rau tuy nhiên theo các bác sĩ, cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng giảm cân bằng phương pháp này.

Nước ép là một cách dễ dàng để tiêu thụ nhiều chất dinh dưỡng mà không cần phải ăn toàn bộ trái cây và hoa quả, rau. Nhiều người khẳng định đây là một công cụ giảm cân hữu ích nên đã lạm dụng và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Đau bụng, nôn kèm hoa mắt do uống nước ép dứa và rau diếp

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, mới đây đơn vị này đã tiếp nhận một bệnh nhân tên  N. T trú tại TP Cao Bằng trong tình trạng đau bụng, nôn nhiều kèm theo hoa mắt chóng mặt.

Sau khi thăm khám, hỏi tiền sử các bác sỹ chẩn đoán nhiễm độc thức ăn do vi trùng, chưa phân loại (nghi do bệnh nhân uống nước ép rau diếp cá kèm dứa).

Liên quan tới vụ việc trên, Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Hà, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong cây rau diếp cá chứa chừng 0,0049% tinh dầu và một ít chất ancaloit gọi là cocdalin.

Cân nhắc kỹ khi lựa chọn uống nước ép giảm cân. Ảnh minh họa

Thành phần chủ yếu của tinh dầu là nhóm aldehyd và các dẫn xuất ceton như methyl-n-nonyl ceton, l-decanal… và 3-oxododecanal có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Khi tiến hành phân lập từ lá diếp cá còn thu được các hợp chất như beta sitosterol và các flavonoid như: quercitrin, rutin, isoquercitrin.... 100g diếp cá thì chỉ chứa khoảng 17 calo, nhiều nước, nhiều vitamin C và nhiều chất xơ nên có khả năng nhuận tràng, rất tốt cho những người cần phải ăn kiêng hay muốn giảm cân.

“Lợi ích của rau diếp cá với sức khỏe khá đa dạng như thanh lọc thải độc cho cơ thể, làm mát gan, chữa nóng trong, nổi mề đay, trị mụn nhọt, làm đẹp da, sáng da, bổ sung chất xơ và các dưỡng chất thiết yếu khác”, Ths. BS Ngọc Hà cho hay.

Tương tự với dứa, trong 100g quả dứa, phần ăn được cho 25kcal, 0,03mg caroten, 0,08mg vitamin B1, 0,02mg vitamin B2, 16mg vitamin C (thơm tây). Các chất khoáng là 16mg Ca, 11mg phospho, 0,3mg Fe, 0,07mg Cu, 0,4g protein, 0,2g lipid, 13,7g hydrat cacbon, 85,3g nước, 0,4g xơ.

Đối với nước ép dứa, một khẩu phần một cốc 165-gram cung cấp 88% giá trị dinh dưỡng hàng ngày (DV) cho vitamin C. Đồng thời cũng cung cấp 5% DV Magiê và có thể cung cấp hàm lượng đồng lên tới 18% chất dinh dưỡng hàng ngày (DV). Ngoài ra, dứa còn là một nguồn thực phẩm giàu Vitamin B như Vitamin B1 (Thiamine), B6 (Pyridoxine), B9 (Folate)

Hàm lượng đường cũng như calo trong dứa tương đối thấp, bên cạnh đó hàm lượng vitamin C dồi dào có tác dụng tăng khả năng trao đổi chất, đốt cháy calo dư thừa. Đặc biệt dứa có nhiều nước và lượng chất xơ tương đối có tác dụng tạo cảm giác nhanh no khi ăn giúp cơ thể hấp thụ ít calo hơn. Các chất chống oxy hóa trong dứa giúp làm đẹp da.

Những mối nguy cơ từ thực phẩm chứa độc tố tự nhiên và khi chế biến gây ra(VietQ.vn) - Thực phẩm là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể hàng ngày tuy nhiên cũng có rất nhiều mối nguy hại từ những loại thực phẩm tự nhiên có sẵn độc tố hay độc tố sinh ra trong quá trình chế biến.

Tuy nhiên theo BS Ngọc Hà, giảm cân và làm đẹp bằng rau diếp cá và dứa chỉ là một phương pháp tự nhiên nên hiệu quả chúng mang lại là không nhanh chóng, cần phải có thời gian kiên trì lâu dài thì mới mang lại kết quả được. Và cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người là khác nhau nên hiệu quả mang lại cũng sẽ khác nhau. Bên cạnh đó cần kết hợp với chế độ ăn khoa học mức năng lượng hợp lý cân bằng, và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên mới giúp bạn giảm cân và đẹp da an toàn hiệu quả.

Đáng lưu ý, việc sử dụng loại nước uống này không đúng cách, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cũng có thể gây ra những hệ luỵ khôn lường.

BS Ngọc Hà cho biết, khi ăn dứa có thể xả ra hiện tượng say dứa (ngộ độc dứa), theo nhiều tác giả thì thủ phạm gây độc là do nấm độc Candida tropicalis thường có trên mặt đất ẩm. Nếu quả dứa bị dập nát thì nấm thâm nhập cả vào bên trong.

Khi ngộ độc có các triệu chứng xuất hiện sau 30 phút đến 1 giờ sau khi ăn, gây ra tình trạng mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, ngứa dữ dội khắp người sau đó thấy nóng bừng và nổi mẩn toàn thân, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, hạ huyết áp, khó thở. Trường hợp nhẹ sẽ tự khỏi sau 2 - 3 giờ. Trường hợp nặng là tình trạng sốc dị ứng trụy tim mạch.

Đối với rau diếp cá cũng vậy, dù thực tế thì dưỡng chất của rau diếp cá đều lành tính và không hề có độc song do rau có tính hàn, vị hơi tanh và đắng, nên khi dùng quá nhiều có thể gây các tác dụng phụ như đầy hơi khó tiêu, tiêu chảy.

“Khi lạm dụng nước ép rau diếp cá mỗi ngày thay nước lọc còn có thể khiến cơ thể xuất hiện chóng mặt, khó chịu buồn nôn đau đầu do cơ thể chưa kịp thích ứng. Việc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi sơ chế cũng rất dễ khiến bạn nhiễm trùng bởi diếp cá thường mọc ở những nơi ẩm thấp, bung lầy, bờ khe rãnh…”, BS Ngọc Hà nói.

Để đảm bảo an toàn mọi người nên chú ý khi uống các loại nước tự pha chế, không phải ai cũng phù hợp, nhất là trong quá trình chế biến phải hết sức thận trọng để không gây ngộ độc.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng lưu ý, cũng như rất nhiều loại thực phẩm, hoa quả khác, để đạt được hiệu quả tốt cần sử dụng đúng cách như chọn rau diếp cá tươi, rửa sạch và ngâm nước muối trước khi dùng (tránh nhiễm bẩn, nhiễm ký sinh trùng...) không nên uống vào buổi sáng và tối muộn vì rau có tính hàn gây lạnh bụng.

Không nên dùng liên tục, tùy cơ địa và tình trạng sức khoẻ, tránh lạm dụng dùng quá nhiều rau diếp cá trên một ngày bởi có nhiều trường hợp đã dẫn đến tình trạng hoa mắt chóng mặt hoặc bị tiêu chảy.

Chính vì vậy khi sử dụng cần xem cơ thể phản ứng như thế nào rồi điều chỉnh liều lượng cho phù hợp. Nên sử dụng ngay sau khi pha, không để quá 2 giờ, tránh nước bị lắng, biến đổi chất và khi có dấu hiệu ngộ độc cần đến cơ sở y tế ngay.

Hiểm họa giảm cân từ nước ép bí đao

Bí đao có tác dụng làm tiêu nước dư trong cơ thể, giảm béo, giảm cân, giữ eo thon cho phụ nữ nhưng nếu không biết cách sử dụng hiệu quả sẽ ngược lại.

Bí đao không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn có nhiều công dụng trong chữa bệnh và làm đẹp. Từ xưa, bí đao đã được ghi trong các phương thuốc bí truyền làm đẹp của các mỹ nhân, cung phi.

Theo y học cổ truyền, bí đao thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai...

Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn... là một loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Trong thành phần của bí đao phần lớn là nước, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C...

Mặc dù bí xanh có nhiều tính năng và công dụng đối với sức khỏe nhưng chúng ta phải biết cách sử dụng và ăn bí đao như thế nào cho đúng cách, nếu không sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Bí đao có tác dụng làm tiêu nước dư trong cơ thể, giảm béo, giữ eo thon cho phụ nữ, nhưng có một số bạn thường xuyên ăn sống bí đao hoặc xay bí đao sống lấy nước uống như uống sinh tố thì không nên. Vì bí đao sống có tính xà phòng rất cao, ngày xưa ở các làng dệt vải người ta thường lợi dụng tính chất này của bí đao dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy. Vì thế nếu bạn ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố để mong làm đẹp thì không nên vì tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa của bạn.

Bí đao khi được nấu với rượu làm cao bí đao hoặc được đun chín kỹ tính xà phòng gần như mất hết nên thường xuyên ăn bí đao nấu kỹ hay uống nước bí đao luộc thì được.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang