Nguy cơ gây hại sức khỏe khi hâm nóng cà phê bằng lò vi sóng

author 06:31 21/10/2021

(VietQ.vn) - Nhiều người có thói quen hâm nóng cà phê trong lò vi sóng nhưng theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy thói quen này có thể gây hại sức khỏe.

Hiện nay, lò vi sóng ngày càng trở nên quen thuộc trong các gia đình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhờ làm chín thực phẩm trong thời gian rất ngắn nên thức ăn được nấu bằng lò vi sóng thực chất giữ được nhiều vitamin hơn các cách nấu truyền thống. Các món ăn được đun trong lò vi sóng tiết kiệm gần 75-98% vitamin C, trong khi đó, phương pháp nấu ăn truyền thống bảo quản vitamin không vượt quá 38-60%.

Tuy nhiên theo nhiều cảnh báo từ các chuyên gia hàng đầu thế giới cho rằng, có nhiều loại thực phẩm, đồ uống không nên cho vào lò vi sóng để hâm nóng vì có thể gây hại cho sức khỏe, một trong số đó phải kể tới cà phê.

Thưởng thức tách cà phê nóng là một trong những thú vui của cuộc sống. Mặc dù vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra hâm cà phê bằng lò vi sóng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Không nên hâm nóng cà phê trong lò vi sóng vì có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa 

Theo The New York Times, lò vi sóng không làm nóng thức ăn một cách đồng đều do nhiệt độ đi từ ngoài vào trong. Vấn đề không chỉ gây ra sự bất tiện mà còn là mối nguy hiểm cho sức khỏe.

Đại học Michigan (Mỹ) chỉ ra những điểm lạnh còn sót lại bên trong thức ăn có thể vẫn chứa vi khuẩn chưa chết hoàn toàn sau vài phút trong lò vi sóng. Thực tế, thực phẩm nấu bằng lò vi sóng từng liên quan đến các bệnh về tiêu hóa trong quá khứ.

Vào năm 1992, nhiều người tại một buổi dã ngoại ở Juneau, Alaska, bị nhiễm vi khuẩn salmonella. Trên tạp chí Dịch tễ học Mỹ, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nguyên nhân của sự bùng phát và phát hiện sự việc có liên quan trực tiếp đến cách những người cắm trại chuẩn bị món thịt quay.

Cụ thể, những người hâm nóng thịt bằng lò vi sóng bị nhiễm khuẩn nặng, trong khi người sử dụng lò nướng hoặc chảo thì không. Mặc dù khuẩn salmonella không có trong cà phê, thức uống này vẫn tiềm ẩn những nguy cơ tương tự.

Cà phê đen nguyên chất sẽ an toàn để uống ngay cả khi bạn để chúng trong vài giờ. Vấn đề chỉ xảy ra khi bạn thêm sữa hoặc kem vào cà phê hoặc chọn cách pha lạnh.

Theo Womanword, bạn không nên để cà phê sữa hoặc các thức uống tương tự ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ hoặc 1 giờ vào mùa hè. Lý do vì sữa và kem là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, hâm nóng bằng lò vi sóng không làm vi khuẩn chết hẳn mà thậm chí khiến chúng phát triển nhiều hơn.

Với cà phê pha lạnh (Cold brew), đây là loại thức uống được làm bằng cách ngâm cà phê qua đêm trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Do đó, loại cà phê này cũng mang rủi ro vì nước không được đun sôi và cà phê bị để ở nhiệt độ phòng trong một thời gian dài.

CDC Mỹ cảnh báo nhóm người lớn tuổi, đặc biệt những người trên 65 tuổi, đối mặt với khả năng bị ngộ độc thực phẩm nhiều hơn vì hệ miễn dịch của họ không còn tốt như trước đây. Ngoài ra, cơ thể của nhóm này thường gặp khó khăn trong việc loại bỏ vi trùng và vi khuẩn có hại.

Người lớn tuổi cũng tạo ra ít acid dạ dày để diệt vi khuẩn hơn, dẫn đến sẽ có gần một nửa số người trên 65 tuổi phải nhập viện nếu họ mắc các bệnh do thực phẩm như salmonella hoặc E. coli, theo Womenworld.

Để tránh các rủi ro về sức khỏe khi uống cà phê không nên để cà phê sữa hoặc cà phê khuấy kem ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Với cà phê đen nên đun bằng bếp. Nếu vẫn muốn hâm cà phê bằng lò vi sóng, hãy đảm bảo đó là cà phê pha nóng chứ không phải pha lạnh. Cần cân nhắc đầu tư cho mình một chiếc ly thông minh, loại có thể kiểm soát nhiệt độ chính xác ở mức mong muốn. Ngoài ra, ly giữ nhiệt cũng là một lựa chọn tốt để giữ cà phê luôn nóng.

 An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang