Cần chính sách khẩn cấp cứu ngành chăn chăn nuôi trước nguy cơ 'sập nguồn'

author 14:01 11/10/2021

(VietQ.vn) - Giá gia súc, gia cầm vẫn trên đà “rơi tự do”, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, khiến ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ “sập nguồn”, cần những chính sách khẩn cấp để trợ giúp.

 Ngành chăn nuôi đang tồn đọng hàng triệu con gia súc, gia cầm không thể tiêu thụ được

Hàng triệu con gia súc, gia cầm tồn đọng

Theo Cục Chăn nuôi, số lượng đàn lợn cả nước đến hết tháng 9/2021 khoảng 28 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Những địa phương có đàn lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nội, Bình Phước, Bắc Giang, Thanh Hóa. Sản lượng thịt lợn hơi cả nước trong 9 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,9 triệu tấn. Vừa qua do giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu dùng giảm nhiều nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng khoảng 30% đã quá tuổi xuất bán. Vấn đề này đã gây tác động tiêu cực, khiến giá thịt lợn xuất chuồng đang giảm rất mạnh.

Cụ thể, nếu như trong tháng 3 và 4/2021, giá lợn hơi xuất chuồng vào khoảng 70.000-75.000 đồng/kg thì đến tháng 7, 8 giảm còn 50.000-55.000 đồng/kg. Tính đến thời điểm hiện tại, giá lợn hơi bình quân đang dao động chỉ từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc miền Trung cho rằng, giá lợn hơi sẽ còn rất nhiều biến động và có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới. "Giá lợn hơi sẽ tiếp tục “rơi tự do” trong tháng 10 này và mức giá 25.000 đồng/kg đang được dự báo có thể chưa phải mức đáy. Với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay, mỗi con lợn bị lỗ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng", ông Thành cho biết.

 Giá lợn hơi liên tục "rơi tự do" khiến người chăn nuôi lao đao.

Đối với gia cầm, Cục Chăn nuôi cho hay, hiện nay đàn gia cầm khoảng 523 triệu con, tăng khoảng 4,4% so với tháng 10/2020. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường giảm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng gia cầm tồn đọng trong chuồng cao. Đặc biệt tại các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, các doanh nghiệp chăn nuôi trong tháng 8 và 9 chỉ tiêu thụ được 5-10% số lượng gà công nghiệp lông trắng.

Hiện, lượng gà công nghiệp quá tuổi xuất chuồng tại khu vực này ứ đọng trên 9,3 triệu con với khối lượng trên 3,8kg/con, trong khi bình thường gà xuất chuồng ở trọng lượng 1,8-2,5 kg. Với gà lông màu, hiện cũng tồn đọng khoảng 30% số lượng nuôi. Bên cạnh lợn và gia cầm, giá một số loại gia súc lớn cũng không cao. Giá bò thịt dao động từ 85.000 - 100.000 đồng/kg. Giá dê thịt ở mức 120.000 - 140.000 đồng/kg.

Đẩy mạnh tiêu thụ

Về tình trạng bi đát của ngành chăn nuôi hiện nay, nguyên nhân là do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và Việt Nam khiến đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi.

Tại hội nghị trực tuyến “Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2021 và kế hoạch năm 2022” vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, hiện nay nhiều địa phương đã khống chế được dịch Covid-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra là cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ để hỗ trợ và bù đắp phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

 Cần những chính sách khẩn thiết để thúc đẩy đưa ngành chăn nuôi trở lại "quỹ đạo".

Các địa phương cần tiếp tục khôi phục, ổn định phát triển đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ để phục vụ tiêu dùng gia tăng trong những tháng cuối năm 2021, nhất là nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng từ 10 - 12% trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2022. “Việc cần làm hiện nay là cố gắng tiêu thụ hết sản phẩm gia súc, gia cầm còn tồn đọng trong chuồng trại của các cơ sở chăn nuôi", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Để ngành chăn nuôi trụ vững, rất cần Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương có các giải pháo tháo gỡ mạnh tay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng cơ chế mở cửa hoạt động xã hội đối với những người dân đã được tiêm đủ 1 mũi và 2 mũi vaccine ở các tỉnh, thành phố để có lao động duy trì sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa.

Nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ vay vốn để khôi phục sản xuất đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do Covid-19 tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Bộ Công Thương, các địa phương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cùng với đó, cần bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành. "Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề xuất.

Về phía Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT đề nghị cần sớm có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi xuất ngân hàng cho cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang