Nguy cơ tiềm ẩn từ son handmade gắn mác hữu cơ, tự nhiên

author 13:44 22/10/2016

(VietQ.vn) - Phong trào làm son handmade càng nở rộ khi thông tin lượng chì vượt mức trong son lan truyền mạnh trên internet.

Sự kiện: Mỹ phẩm & Làm đẹp

Thế nhưng, mua bán tiêu thụ son handmade tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là chất lượng nguồn nguyên liệu khó có thể kiểm định trong khi hàng giả, hàng nhái vẫn là vấn đề thách thức các nhà quản lý.

 Lựa chọn son handmade đang là xu hướng của nhiều chị em phụ nữ

Vài ba năm trở lại đây phong trào làm, mua – bán son handmade ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, nhất là khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) công bố 400 loại son môi chứa chì vào năm 2012. Trước thông tin này, người tiêu dùng muốn tìm đến các mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, cả son handmade/homemade được quảng cáo là làm từ 100% thiên nhiên để hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng của chì cũng như nhiều loại hóa chất khác (cồn, chất tẩy trắng…) có trong ngành công nghiệp làm đẹp.

Bất chấp kết luận của FDA sau đó: “Lượng chì trong son môi không được coi là một mối lo ngại về sức khỏe và chưa từng có trường hợp sức khỏe nào bị ảnh hưởng do sử dụng son môi nói riêng hay mỹ phẩm nói chung”, một bộ phận người tiêu dùng Việt đổ xô đến các cơ sở làm son handmade hoặc tham gia các khóa học làm son handmade với mong muốn kiếm cho mình một thỏi son an toàn, đảm bảo chất lượng.

Không biết họ có nắm được thông tin, tất cả số son của 400 hãng được mang đi kiểm định đều có hàm lượng chì nằm trong ngưỡng an toàn cho phép (dưới 20ppm, nghĩa là khoảng 20 miligram chì/kg son), cây son đầu bảng cũng chỉ chứa hàm lượng chì là 7.19ppm, thậm chí ta đang tiếp xúc với chì hàng ngày qua thực phẩm, nước uống… hay không. Nhưng rõ ràng người tiêu dùng Việt không biết hoặc nhận thức chưa rõ về những nguy cơ tiềm ẩn trong son làm theo phương thức thủ công - handmade. Bởi làm một thỏi son đảm bảo, an toàn chất lượng đâu có đơn giản như thế?

Nguồn gốc không đảm bảo

Ngoài mức giá rẻ, hợp túi tiền với học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp, son handmade còn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ những lời quảng cáo bắt tai: “son hữu cơ tươi handmade” “son không chì không sợ thâm môi”, “son handmade 100% thiên nhiên”, “son handmade 100% không chì, màu xinh, dưỡng môi, bền màu”… Càng nguy hại hơn khi son handmade “núp bóng” son hữu cơ, son thiên nhiên để cho ra một “công thức” mới: son hữu cơ handmade, son thiên nhiên handmade, đánh trúng tâm lý khách hàng khi họ đang mong đợi một sản phẩm làm đẹp 3 trong 1: “an toàn, rẻ và đẹp”.

Phần lớn, “độ” hữu cơ, thiên nhiên, thậm chí cả chất lượng của mỗi thỏi son handmade đều chưa được kiểm định, chứng nhận nhưng người tiêu dùng vẫn đặt niềm tin vào đó. Một phần do cơ sở sản xuất, làm son handmade có quay video hướng dẫn cách làm son, người dùng có lý do để yên tâm hơn khi được chứng kiến các công đoạn làm ra một thỏi son. Hơn nữa, các bài viết hướng dẫn làm son handmade tràn ngập khiến người dùng nghĩ rằng làm son môi thật đơn giản, tội gì không handmade để “rẻ - đẹp – an toàn”. Những suy nghĩ đó là sai lầm.

“Thông thường son handmade làm từ các loại tinh dầu và bột màu khoáng thiên nhiên. Nhưng nguy hiểm ở chỗ chất lượng đầu ra của son handmade không được kiểm định, nếu người làm son không chọn đúng nơi tin cậy để mua nguyên liệu thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ” – anh Hoàng Tuấn (Quản lý văn phòng đại diện miền Bắc Công ty Cocosavon) khẳng định.

Anh Tuấn cũng cho rằng, có thể người làm son handmade có cái tâm, rất muốn tạo ra một sản phẩm làm đẹp an toàn, vừa để bản thân sử dụng, vừa buôn bán. Nhưng nếu không có hiểu biết để phân biệt, chọn lựa màu khoáng tốt thì dễ mua phải bột phẩm công nghiệp chứa hàm lượng chất độc hại cao đang trôi nổi trên thị trường. Anh nói: “Xem clip hướng dẫn làm son trên youtube, thấy các gói bột màu chị em sử dụng không có bao bì, nhãn mác nên không chắc có phải màu khoáng, chất lượng tốt hay không. Son handmade có nhược điểm là khó kiểm soát được nguồn gốc, tiêu chuẩn nguyên liệu”.

Như ở các công ty sản xuất mỹ phẩm, khi nhập khẩu màu khoáng sẽ có giấy tờ chứng nhận tiêu chuẩn của hàng hóa và hóa đơn mua hàng. Trong khi người làm son nhỏ lẻ khi mua bán màu khoáng ở các đại lý hoặc xách tay thì không ai kiểm định khoáng đó cả.

Chị Phan Thùy Linh (Đào Tấn, Hà Nội) từng tham gia một lớp học làm son handmade, nhưng khi hoàn thành chị không dùng vì không rõ chất lượng nguyên liệu ra sao. Chị kể, tham gia lớp học đó, chị chỉ cần đóng một số tiền, còn mọi nguyên liệu: sáp ong, tinh dầu, màu khoáng để tạo màu cho son… đã được chuẩn bị sẵn tại lớp. “Tôi làm son nhũ handmade nhưng không đánh được vì không lên màu. Thêm nữa, khoáng đó an toàn thế nào, nguồn gốc ra sao tôi cũng không rõ nên chỉ làm son cho biết”.

 Son handmade dầu dừa lúc mới và có hiện tượng lạ sau gần 1 năm từ khi mua

Dễ nhiễm khuẩn

“Tôi không tin tưởng các cơ sở làm son handmade ở Việt Nam” là khẳng định chắc nịch của chị Thái Thu Quỳnh (chuyên buôn bán mỹ phẩm hữu cơ Nga ở Cổ Nhuế, Hà Nội). Chị giải thích, dù sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên hoặc hữu cơ, nhưng sản xuất son vẫn cần có công nghệ, máy móc chiết xuất. Chị nói: “Không xử lý an toàn, son handmade hoàn toàn có thể bị ẩm mốc, biến chất, có khi còn độc hại hơn sản phẩm vô cơ”.

Để làm son cần có một quy trình khép kín, môi trường đảm bảo tiêu chuẩn để tránh cho son bị nhiễm khuẩn. Trong khi làm son handmade thì cách thức rất thủ công, dụng cụ thô sơ và thiếu nhiều điều kiện tiêu chuẩn khác.

Chị Phan Thùy Linh cũng là chủ của một cửa hàng bán mỹ phẩm hữu cơ nhập từ châu Âu nên chị luôn đặt nghi vấn về chất lượng, độ an toàn của nhiều sản phẩm làm đẹp, nhất là đồ handmade đang được sản xuất và bày bán tràn lan. “Quan niệm của tôi thế này, để ra một sản phẩm mỹ phẩm phải trải qua giai đoạn nghiên cứu và rất nhiều thứ. Tôi vẫn có suy nghĩ là muốn tung sản phẩm ra thị trường, không thể làm trong nhà, quăng ra và bán như cách son handmade đang làm. Sản phẩm được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, được test thử, kiểm nghiệm lâm sàng đủ kiểu vẫn an toàn hơn”. Cái quan trọng nhất là nguyên liệu ban đầu, công thức hòa trộn được các hãng mỹ phẩm nghiên cứu rất lâu, còn son handmade chỉ đang làm theo một công thức chung.


Người tiêu dùng cần biết son và mỹ phẩm rất dễ nhiễm khuẩn. “Môi trường nước không nguyên chất là vi khuẩn sẽ sinh sôi. Khi hòa trộn tùm lum các thứ vào nhau cũng cần có kiến thức chuyên sâu như: hiệu ứng lên môi, có gây dị ứng cho da? Và khi làm xong son handmade thì bảo quản bằng cách nào? Vấn đề vệ sinh chai lọ và dụng cụ đựng, san chiết… cũng là một phần cần quan tâm. Có những người làm son handmade còn không hiểu về thành phần nguyên liệu” – chị Linh chia sẻ.

Thông thường một thỏi son môi hữu cơ của các hãng sản xuất theo dây chuyền hiện đại có hạn sử dụng từ 6-12 tháng. Trong đó dùng chất bảo quản có nguồn gốc từ thiên nhiên, được phép sử dụng. Nếu là dạng son bút chì thì dùng được 36 tháng từ ngày mở nắp bởi son dạng cứng, không có nước, vi khuẩn không có điều kiện phát triển nên hạn dùng lâu hơn. Chị Linh nhấn mạnh: “Son dễ bị mốc, hỏng nếu trong thành phần có tinh dầu, nước mà quá trình tách chiết không làm cẩn thận, vệ sinh”.

Một thỏi son hữu cơ/thiên nhiên handmade cũng được quảng cáo là có hạn dùng trong vòng 1 năm kể từ ngày sản xuất. Nếu là những người tiêu dùng khó tính, họ sẽ tự đặt ra cho mình muôn vàn câu hỏi nghi vấn về chất lượng và độ an toàn của son handmade.

Trong ngành công nghiệp son, quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Các nhà máy thường dành ra một khu vực riêng (phòng thí nghiệm) để các nhà nghiên cứu làm việc. Môi trường cũng phải được đảm bảo theo tiêu chuẩn cụ thể, tránh vi khuẩn phát tán và nấm mốc sinh sôi. Sau đó đến khu chế tạo thành phần son, khu làm mẫu mã, sản xuất và kiểm tra sản phẩm. Có một quy định bất di bất dịch ở một số nhà máy là bất kỳ ai khi bước vào khu vực nghiên cứu hay sản xuất son môi đều phải đi giầy đặc biệt để đảm bảo hạn chế vi khuẩn.

Anh Tuấn chia sẻ: “Ngoài nguyên liệu làm son thì vỏ hộp, khuôn son cũng phải đạt tiêu chuẩn chứ không thể dùng khuôn nhựa, vỏ hộp nhựa bừa bãi. Có rất nhiều loại nhựa tổng hợp chứa các thành phần hóa chất độc hại được bày bán tràn lan trên thị trường, và người làm son handmade không biết, thường mua về dùng”. Anh nói thêm, không có khái niệm son hữu cơ/thiên nhiên hanmade dù son có thành phần hữu cơ/thiên nhiên. Bởi quá trình làm son không đảm bảo. Với công nghệ “làm bằng tay” của handmade thì khó điều chế được màu hữu cơ để tạo màu cho son, người ta vẫn sử dụng màu khoáng nhiều. Mà đã dùng màu khoáng thì không thể là hữu cơ.

Theo Minh Phương/Songmoi.vn

Trào lưu son handmade: Quảng cáo tung trời, chất lượng thả nổi(VietQ.vn) - Chỉ dựa vào lời quảng cáo có cánh của người bán hàng, người mua vẫn không biết được những sản phẩm mỹ phẩm đó được làm theo cách nào và với những thành phần gì.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang