Đề xuất cấm sản xuất, lưu hành thuốc lá thế hệ mới vì đa phần sử dụng hương liệu, hoá chất

author 06:02 11/04/2024

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, đặc biệt trong giới trẻ ngày càng gia tăng gây ra không ít hệ lụy vì tiềm ẩn những hương liệu, hoá chất độc hại cần cấm sản suất và lưu hành.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay việc gia tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm tuổi 13-17, năm 2019 có khoảng 2,6% đang sử dụng thuốc lá điện tử. Con số này tăng lên 8.3% trong điều tra năm 2023. Ở nhóm tuổi trưởng thành, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử là 3,6% năm 2023, trong khi tỉ lệ này là rất thấp (0,2%) trong điều tra năm 2015.

Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định “thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Như vậy, thuốc lá là sản phẩm có thành phần từ cây thuốc lá dù được chế biến dưới bất kỳ dạng nào và không có quy định về các phụ kiện đi kèm.

Theo báo cáo số 2004 ngày 27/9/2023 của Uỷ ban Xã hội Quốc hội Việt Nam nhận định, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định về thuốc lá thế hệ mới. Bởi, thuốc lá thế hệ mới có phụ kiện riêng, được sản xuất theo quy trình khác. Do đó, chưa có quy định làm cơ sở cấm sử dụng, quản lý, xử lý vi phạm đối với thuốc lá thế hệ mới.

Thuốc lá điện tử thực chất không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu và hóa chất. Ảnh minh họa

Thực tế, thuốc lá điện tử không có nguyên liệu thuốc lá mà chỉ sử dụng hương liệu, hoá chất. Thuốc lá nung nóng mặc dù có nguyên liệu thuốc lá nhưng nếu không có phụ kiện đi kèm thì không thể sử dụng được. Do vậy, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng không phải là sản phẩm thuốc lá theo định nghĩa tại Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo Bộ Y tế, việc chưa có khái niệm rõ ràng cho các sản phẩm này dẫn đến hiện nay có các ý kiến khác nhau giữa cơ quan quản lý, các tổ chức bảo vệ sức khoẻ và doanh nghiệp. Đồng thời, việc quản lý các sản phẩm này cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay đang xử lý vi phạm mặt hàng này chủ yếu do hành vi buôn bán hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ. Còn Bộ Công an chủ yếu xử lý hành vi vi phạm về pha trộn, tẩm ướp, bơm tinh chất ma túy và chất cấm trong thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Luật đầu tư, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá chưa đưa thuốc lá mới vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh, cũng chưa cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới. Vì vậy việc xử lý các sản phẩm độc hại, nguy hiểm này còn thiếu cơ chế pháp lý hoặc đã có chế tài nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.

Do vậy, Bộ Y tế đề xuất ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10/2024. Trong đó, giải thích rõ khái niệm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thuốc lá mới khác; quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới khác và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới nicotine là một loại ma túy theo đầy đủ ý nghĩa của nó. Đã có nhiều nghìn nghiên cứu trên thế giới chứng minh thuốc lá điện làm trầm trọng thêm vấn đề sử dụng thuốc lá thông thường.

Đến nay, đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia quy định quản lý thuốc lá điện tử rất chặt chẽ và 16 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Các nước xung quanh chúng ta đã cấm lưu hành thuốc lá điện tử là Trung Quốc (cấm tất cả các loại thuốc lá điện tử có hương thơm), các nước cấm hoàn toàn là Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang