Cơ sở sản xuất, gia công thực phẩm chức năng phải đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn quy định
Ấn Độ: Cần tiêu chuẩn chặt chẽ hơn cho thực phẩm chức năng và men vi sinh
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ do lạm dụng thực phẩm chức năng tăng cơ
Một số yêu cầu trong áp dụng tiêu chuẩn GMP về thực phẩm chức năng
Đề xuất danh mục sữa, thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 06 tuổi thuộc diện kê khai giá
Tiêu chí sản xuất, gia công thực phẩm chức năng
Thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ khi ý thức nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng được đề cao. Trước nhu cầu tăng vọt, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã tham gia vào lĩnh vực này, khiến cho sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Để đối phó với tình trạng đó và nâng cao chất lượng sản phẩm, Bộ Y tế đã ban hành những tiêu chuẩn khắt khe, nhằm "siết chặt" quá trình sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng.
Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, Bộ Y tế yêu cầu các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng phải tuân thủ tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices – Thực hành sản xuất tốt). Đây là một hệ thống các quy định và hướng dẫn nhằm đảm bảo sản phẩm được sản xuất trong điều kiện kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất đến bảo quản, vận chuyển và phân phối.
Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chức năng phải đạt chuẩn GMP.
Để đạt được chứng nhận GMP, các nhà máy phải đáp ứng một loạt các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, nhân sự có chuyên môn cao, và quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo vệ sinh tuyệt đối trong suốt quá trình chế biến. Bộ Y tế cũng yêu cầu các nhà máy này phải có quy trình bảo quản và vận chuyển nghiêm ngặt để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Trang thiết bị hiện đại là yếu tố quyết định năng lực sản xuất của nhà máy. Việc đầu tư vào máy móc và công nghệ tiên tiến không chỉ giúp tăng cường năng suất mà còn đảm bảo sản phẩm được sản xuất đúng chất lượng và an toàn. Cùng với đó, việc phân chia các khu vực trong nhà máy rõ ràng, thực hiện các bước kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt là cần thiết để tối ưu hóa quy trình sản xuất và hạn chế các yếu tố gây nguy hại cho chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, nhân sự tại các bộ phận nghiên cứu, sản xuất cũng cần phải có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt là những người trực tiếp tham gia vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Quy trình tuyển dụng và đào tạo nhân viên là một trong những yếu tố quan trọng giúp các nhà máy duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng cường kiểm soát cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng
Mặc dù các quy định đã được ban hành và triển khai, thực tế vẫn tồn tại nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Đặc biệt, việc sản xuất thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng vì lợi nhuận cao đã trở thành vấn đề cần được giải quyết triệt để.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bao gồm thực phẩm chức năng), trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.
Điển hình, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển tổng số tiền phạt là 11.086.425.000 đồng về 6 hành vi vi phạm. Trong đó, công ty này đã có hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe "Bổ hoàn dương plus" (số lô: 02.2022, NSX: 11/5/2022, HSD: 10/5/2025); "Giấm Táo slim hỗ trợ giảm béo" (số lô: 01.2022, NSX: 26/2/2022, HSD: 25/2/2025); "Nio Slim hỗ trợ giảm béo" (trên nhãn không ghi số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng); "Stony bổ thận tráng dương tăng cường sinh lý" (số lô: 03.2022, NSX: 12/5/2022, HSD: 11/5/2025) mà không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) .
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm còn đình chỉ hoạt động sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe 11 tháng đối với Công ty TNHH sản xuất - Y dược phẩm Vĩnh Điển. Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe 22 tháng kể từ ngày nhận được quyết định.
Trong cuộc họp Quốc hội ngày 11/11, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk về vấn đề thực phẩm chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đến nay cơ bản đáp ứng. Việt Nam đã có Luật An toàn thực phẩm, Luật Thanh tra, Bộ luật Hình sự, Luật Quảng cáo, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định, thông tư, quy chuẩn liên quan đến thực phẩm chức năng… Bộ trưởng nêu rõ, nếu sản xuất thực phẩm chức năng tốt, đây là lợi thế để xuất khẩu, trong đó có các loại vitamin. Hiện nay, thực phẩm chức năng của nước ta đã xuất khẩu ở trên 30 nước trên thế giới. Đây sẽ là thế mạnh nếu được quan tâm và đầu tư tốt vào lĩnh vực này.
Về quy định liên quan tới sản xuất thực hành tốt - GMP đối với thực phẩm chức năng từ năm 2019. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, nếu các nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng trong nước đáp ứng được thì phải tuân thủ đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt và Việt Nam là nước đầu tiên của Asean áp dụng quy chuẩn này.
Trước đây, cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, đến nay có 201 cơ sở thực hiện đúng theo quy định về sản xuất và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, các quy định về xử phạt về sản xuất, tiêu thụ, quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có vi phạm liên quan đến lĩnh vực này. Bởi sản xuất thực phẩm chức năng, sản xuất hàng giả đem lại lợi nhuận cao và nhiều người lợi dụng, thổi phồng các giá trị của mặt hàng được sản xuất ra để thu lợi…
Để giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã có trang web của Cục An toàn thực phẩm để cấp giấy chứng nhận để cho các doanh nghiệp sản xuất đúng quy định để các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể tra cứu các mặt hàng sản xuất đúng theo quy định. Còn đối với những người vi phạm, Bộ Y tế cũng có cảnh báo như gửi công văn đến đến các bộ, ngành liên quan để kịp thời xử lý.
Sự phát triển của ngành thực phẩm chức năng không chỉ là cơ hội kinh doanh mà còn là trách nhiệm lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển bền vững.
Duy Trinh