Nhận diện điểm yếu trong quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng

author 06:30 21/09/2022

(VietQ.vn) - Mặc dù cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt nhưng tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật vẫn diễn biến phức tạp.

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng tại Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung sản xuất - kinh doanh. Hầu hết doanh nghiệp đều ý thức được việc tuân thủ quy định pháp luật về chất lượng cũng như hoạt động quảng cáo sản phẩm.

Tuy nhiên, vẫn có không ít doanh nghiệp phân phối thực phẩm chức năng làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc.

Chính việc quảng cáo quá mức và tần suất xuất hiện liên tục, cũng như sự lập lờ tên gọi, bao bì sản phẩm giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh đã tác động không nhỏ tới ý thức người tiêu dùng khiến nhiều người hiểu lầm, sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua thực phẩm chức năng sử dụng thường xuyên.

Nhiều bác sĩ tại Bệnh viện K cho biết, bệnh viện đã phải tiếp nhận khá nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư tới khám ở thời kỳ cuối, khi khối u đã lớn và di căn nhiều nơi trong cơ thể. Mặc dù phát hiện bệnh sớm nhưng không vào bệnh viện điều trị ngay mà sử dụng thực phẩm chức năng với kỳ vọng rằng các loại thực phẩm chức năng này có thể loại trừ, ngăn chặn sự phát triển của khối u.

Thậm chí, có người bệnh đang điều trị bệnh bằng thuốc tại bệnh viện nhưng khi nghe những quảng cáo “có cánh” đã bỏ thuốc quay sang dùng thực phẩm chức năng, làm mất đi cơ hội điều trị. Tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân dị ứng thực phẩm chức năng do sử dụng tràn lan, thiếu chỉ dẫn cần thiết của thầy thuốc. Và điều đáng lo ngại, do rất nhiều thực phẩm chức năng đang được quảng cáo quá mức, với công dụng như thần dược khiến nhiều người tiêu dùng cả tin, lầm tưởng và chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Ảnh minh hoạ

Nói về kẽ hở trong quy trình quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, việc cấp phép thực phẩm chức năng của Cục An toàn thực phẩm (đơn vị được Bộ Y tế giao nhiệm vụ). Tuy nhiên, số lượng sản phẩm cần được thẩm tra, cấp phép quá lớn dễ dẫn tới tình trạng quá tải, thiếu sót.

Theo quy định, Cục An toàn thực phẩm sau khi tiến hành cấp phép sẽ tổ chức hậu kiểm, thanh, kiểm tra sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, quy định này thời gian qua cũng phát sinh những hạn chế nhất định. Sản phẩm được cấp phép quá nhiều, trong khi đó, nguồn nhân lực tại cơ quan chức năng đi kiểm tra còn khiêm tốn, dẫn tới chỉ kiểm tra được một phần nào đó của thị trường. 

Đặc biệt, khi kiểm tra, phát hiện ra sản phẩm có dấu hiệu vi phạm thì thực phẩm chức năng đã được người tiêu dùng sử dụng. Do đó, nếu như là loại thực phẩm chức năng kém chất lượng, người dùng sẽ chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, trong quá trình hậu kiểm, nhiều cơ sở chỉ bị xử lý với mức phạt nhẹ, chưa đủ tính răn đe. Điều này dễ làm cho các đối tượng vi phạm dễ tái phạm. Từ những phân tích đó, có thể thấy, hiện nay, quá trình hậu kiểm còn chưa theo kịp thực tế phát sinh và cần có giải pháp để hậu kiểm tốt hơn.

Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện nay, vấn đề quảng cáo thực phẩm chức năng đang gây nhức nhối. Dù chỉ là thực phẩm chức năng nhưng không ít sản phẩm lại được "thổi phồng” có công dụng ngăn chặn ung thư, nâng chiều cao con người, điều trị các bệnh... Một số hãng sản xuất thực phẩm chức năng đưa hình ảnh của một số nhà giáo, nhà khoa học, bác sĩ… để quảng cáo sản phẩm.

Trước thực trạng trên, để tăng cường hiệu quả công tác quản lý thực phẩm chức năng, chuyên gia Vũ Vinh Phú kiến nghị nên thực hiện tiền kiểm với thực phẩm chức năng thay vì hậu kiểm. Tuy nhiên quy trình tiền kiểm phải nhanh, không gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần nâng chế tài xử phạt đối với những sai phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sai sự thật về công dụng thực phẩm chức năng. Nếu sai phạm nhiều lần có thể rút giấy phép kinh doanh, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng phải xử lý hình sự. Đồng thời, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quản lý nhà nước, nhất là giữa cơ quan thanh tra y tế và quản lý thị trường trong việc kiểm soát lĩnh vực thực phẩm chức năng.

Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải lên án mạnh mẽ hơn về thực trạng này. Các cơ quan báo chí cũng cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu và lựa chọn sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng đảm bảo.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và cơ quan truyền thông để các quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng đúng công dụng, phù hợp về cách thức thể hiện, khung giờ phát sóng; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, rà soát lại quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng…

Liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, những vi phạm trong quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng phải được xử lý, chấn chỉnh nghiêm… với tinh thần đặt lợi ích người dân lên trên hết và phải rõ trách nhiệm của từng ngành (y tế, văn hóa, thông tin và truyền thông), với từng khâu của cả quá trình.

Trước hết, Bộ Y tế chỉ đạo Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược rà soát lại toàn bộ nội dung các quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được Bộ xác nhận để các cơ quan báo chí chấn chỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ đối chiếu, xử lý vi phạm.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan truyền thông thực hiện phát hành đúng nội dung quảng cáo được xác nhận, trong trường hợp khác cần có sự trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế, xem xét khung giờ phát sóng phù hợp, đảm bảo nội dung quảng cáo không trái với với thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống hay gây phản cảm.

Bộ Y tế, các bộ ngành, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát lại tất cả văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng, từ đó kiến nghị, hướng dẫn phù hợp trên tinh thần mỗi khâu, mỗi việc đều có cơ quan chịu trách nhiệm, hướng dẫn rõ ràng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang