Nhiều đơn hàng, ngành dệt may vẫn đối diện thách thức

author 06:37 19/04/2022

(VietQ.vn) - Dù có cơ hội để tiếp tục tăng trưởng cao và cải thiện thị phần trên trường quốc tế nhưng ngành dệt may trong năm nay cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức.

Theo thống kê mới đây từ Bộ Công thương, trong quý I/2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch đạt 76,18 tỷ USD, tăng 11,6% so cùng kỳ và chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hầu hết mặt hàng trong nhóm đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao, nhất là phân bón các loại tăng đến 183% do giá và nhu cầu tăng đột biến; hóa chất tăng 67%; đá quý, kim loại quý tăng 55,7%; mây, tre, cói và thảm tăng 34,4%;… 

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, hàng dệt may trong quý I giữ vững đà tăng trưởng ấn tượng với kim ngạch đạt 8,84 tỷ USD, tăng 22,5% so cùng kỳ. Với kết quả này, dự báo ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm nay (năm 2021 đạt 39 tỷ USD) là hoàn toàn có cơ sở do tổng cầu dệt may thế giới cũng được dự báo sẽ tăng khoảng 3%. 

Nhiều đơn hàng, ngành dệt may vẫn đối diện thách thức. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường, dù có cơ hội để tiếp tục tăng trưởng cao và cải thiện thị phần trên trường quốc tế, nhưng ngành dệt may trong năm nay cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. 

Cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm đã phát sinh nhiều tín hiệu bất lợi từ thị trường do ảnh hưởng của việc giá dầu tăng cao, xung đột địa chính trị thế giới, hay Ngân hàng trung ương châu Âu và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đồng loạt tăng lãi suất. Do đó, dù nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý II, thậm chí cho cả năm, nhưng vẫn khó có thể khẳng định kết quả cả năm sẽ hoàn thành tốt như kỳ vọng, bởi rủi ro và biến động thị trường đang diễn ra rất nhanh và phức tạp.

Hơn nữa, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021, dệt may Việt Nam cần nỗ lực để không bị các đối thủ này vượt mặt.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho hay, ngành dệt may phát triển rất nhanh nhưng vẫn yếu khâu nguyên liệu đầu vào nên VITAS mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do.

“Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, ngành dệt may hy vọng nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính, lãi suất, tỉ giá... để giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Trương Văn Cẩm đề xuất.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:dệt may, đơn hàng

tin liên quan

video hot

Về đầu trang