Hệ lụy từ việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm thịt đối với ngành chăn nuôi

author 21:43 26/03/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay tình trạng nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (chính ngạch, nhập lậu) không được kiểm soát chặt chẽ đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi là 3,53 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ có 515.000 USD. Trong đó, đối với thịt và các sản phẩm từ thịt, cả nước nhập khẩu 717.000 tấn từ 57 thị trường, trị giá 1,43 tỷ USD, tăng 5,4% về lượng, giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.

Chỉ tính riêng tháng 1/2024, cả nước đã nhập khẩu gần hơn 62.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 127,52 triệu USD, tăng 76,2% về lượng và tăng 72% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. 

Thực tế thời gian gần đây người tiêu dùng chỉ cần gõ cụm từ thịt lợn, gà hoặc bò nhập khẩu trên Google hay mạng xã hội Facebook, người dùng có thể thấy tràn ngập các website, bài đăng rao bán các loại thịt được quảng cáo là hàng nhập từ Úc, Mỹ, Canada, Nhật... với mức giá rẻ bất ngờ. Đơn cử như bắp bò được rao bán với giá 120.000 đồng/kg, thậm chí có người rao bán thịt bò với giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg, chỉ bằng 30 - 40% mức giá thông thường ở chợ.

Việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy. Ảnh minh họa

Còn theo thống kê của thanh tra ngành nông nghiệp, trong năm 2023 lực lượng chức năng đã bắt 131 vụ, thu giữ khoảng 160.000 con gia súc, gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng số lượng thịt nhập lậu trong thực tế có thể lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu con gia cầm, quả trứng lậu, chưa kể lượng trâu, bò, heo sống nhập lậu "ồ ạt" về Việt Nam.

Bày tỏ sự lo ngại, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam Lê Văn Thông chia sẻ, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi đang là vấn đề hệ trọng, gây ra rất nhiều rủi ro, hệ lụy. Đơn cử như nguy cơ gây lan truyền dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi, bệnh cúm gia cầm và viêm da nổi cục trên trâu bò. Không những thế, điều này còn gây áp lực cạnh tranh không công bằng với các sản phẩm chăn nuôi trong nước.

Nhận định về thực trạng này, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương phân tích, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu chính ngạch hiện nay phần lớn là sản phẩm mà ở các nước họ ít dùng làm thực phẩm như: đầu, cổ cánh, tim cật, lòng mề, gà đẻ và bò sữa thải loại... Chưa kể đó còn là các loại thực phẩm đã gần hết hạn sử dụng nên có giá rất rẻ, chỉ bằng 1/2 giá trong nước cùng loại khi nhập về.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu ồ ạt còn gây rủi ro lớn về chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, nhất là ở khu vực bếp ăn tập thể cho học sinh, công nhân... đang là đối tượng sử dụng phần lớn các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu này. Đặc biệt, việc nhập khẩu ồ ạt các sản phẩm chăn nuôi làm mất cơ hội và động lực đầu tư của doanh nghiệp, người chăn nuôi trong nước và về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia.

Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

Theo các chuyên gia, nếu không kiểm soát được nhập khẩu và xúc tiến được xuất khẩu, ngành chăn nuôi sẽ không phát triển, thậm chí không lâu nữa nước ta trở thành nước nhập khẩu chăn nuôi. Bởi từ năm 2026-2027, theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu các loại thịt heo, bò, gia cầm... chỉ 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Điều đáng nói là sản phẩm về Việt Nam toàn là phế phẩm, đầu, cổ, cánh, lòng mề, gà mái đẻ loại thải...Do đó phải có biện pháp tự vệ, phải có những hàng rào kỹ thuật đủ mạnh khi đàm phán với các nước xuất khẩu sang Việt Nam.

Từ thực tế trên, các hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách và thời gian để người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp trong nước có thể thích nghi được. 

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang