Bé gái nhập viện sau khi ăn 7 viên thuốc giảm cân không nhãn mác

author 18:58 17/03/2024

(VietQ.vn) - Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 3 tuổi có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài do ăn nhầm thuốc giảm cân của chị.

Sự tò mò của trẻ em có thể dẫn tới nguy cơ ngộ độc hóa chất. (Ảnh minh họa)

Theo thông tin từ BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp bé gái 3 tuổi có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài do ăn nhầm 7 viên thuốc giảm cân của chị. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã sử dụng các biện pháp để hạn chế cơ thể bé hấp thu chất độc như rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính, nhuận tràng kết hợp bồi phụ nước điện giải. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe trẻ ổn định, hết nôn, được xuất viện.

Gia đình cho biết, loại thuốc giảm cân mà bé ăn nhầm không có nhãn mác, không rõ thành phần cũng như nguồn gốc xuất xứ.

Các bệnh viện trên cả nước thời gian gần đây tiếp nhận nhiều trẻ nhập viện cấp cứu do uống nhầm thuốc trừ sâu, dầu hỏa, thuốc diệt chuột, các chất gây nghiện, thuốc an thần của người lớn... Trẻ nhỏ thường tò mò, hiếu động, chưa phân biệt được các loại hóa chất độc hại.

Trước đó, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận cấp cứu 2 chị em N.T.T.V. (hơn 5 tuổi) và N.L.M.Đ. (4 tuổi) ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) đều nhầm tưởng ống thuốc diệt chuột là ống thuốc calci (trước đó mẹ hai bé cho uống) nên bé trai đã lấy hai ống cho chị và mình cùng uống.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc hóa chất ở trẻ em, gia đình cần tuân thủ quy tắc an toàn trong lưu trữ các loại thuốc và hóa chất. Việc cất giữ chúng ở khu vực riêng biệt, có khóa kín và không sử dụng các loại chai lọ tái sử dụng sẽ giúp hạn chế tình trạng trẻ tò mò và tiếp xúc với những chất độc hại này.

Nếu phát hiện trẻ ăn nhầm thuốc hoặc hóa chất độc hại, cần nhanh chóng tách trẻ ra khỏi nguy cơ và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Các biện pháp sơ cứu như rửa vùng tiếp xúc với hóa chất hoặc rửa mắt trong trường hợp hóa chất dính vào mắt cũng cần được thực hiện ngay lập tức để giảm thiểu nguy cơ tổn thương cho trẻ.

Nhìn chung, việc tăng cường nhận thức và tuân thủ biện pháp an toàn trong lưu trữ, sử dụng hóa chất và thuốc sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ em, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc trong cộng đồng.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang