Chất lượng sống

Ẩm thực

Những đặc sản mê hoặc lòng người của đất than Quảng Ninh

author 16:10 20/07/2016

(VietQ.vn) - Đến Quảng Ninh, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên của kì quan Hạ Long, đất thiêng Yên Tử, bạn còn có thể thưởng thức vô số đặc sản lừng danh.

Sự kiện: Đặc sản các vùng miền Việt Nam

Một loài đặc sản vô cùng hấp dẫn của biển Hạ Long, đó là sam - một loài giáp xác chân đốt. Từ sam biển người ta có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn ngon và lạ khác nhau như: Tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá lốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến…
Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là một đặc sản, và phải nếm thử chả mực của chính Hạ Long bạn mới cảm nhận được đúng nhất hương vị tuyệt vời của món ăn này. Mực dùng để làm chả phải là mực tươi sống được đánh bắt trực tiếp trong khu vực biển Hạ Long. Mực tươi nên thịt rất thơm và dậy mùi. Món chả mực ngon nhất vẫn là dùng với xôi trắng. Hạt xôi khô nhưng mềm, thơm hương nếp mới quyện với mùi chả vừa béo vừa ngọt.
Ngán có thể chế biến được nhiều món như: Nướng, hấp, nấu cháo, xào với mì hay rau cải. Nói chung gọi là ngán nhưng ko ngán chút nào. Với các du khách nam thường khoái khẩu món rượu ngán. Rượu ngán có mùi thơm rất riêng của biển. Các món từ ngán khá phổ biến tại các nhà hàng, quán ăn tại Hạ Long, Quảng Ninh.
Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại hải sản đặc biệt, được gọi là sái sùng (hay sá sùng). Nhìn thoáng qua sá sùng như những con giun, sâu hồng hồng nhưng sá sùng được chế biến thành nhiều món ăn ngon xứng danh đặc sản.
Bánh gật gù là đặc sản vùng Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo, khá giống với bánh bánh phở hay bánh ướt nhưng được cuộn tròn lại thành cuộn dài. Bánh ăn với nước mắm ngon chưng mỡ gà, hành phi. Vì là bánh cuộn nên người ta hay dùng tay để ăn bánh. Khi cầm bánh ăn, bánh cứ gật lên, gật xuống vì sự đàn hồi giống như đang gật đầu nên được gọi là bánh gật gù. Nhưng có nơi người ta sau khi ăn bánh thì đầu gật gù đầu khen ngon nên từ đó bánh có tên là bánh gật gù.
Tiên Yên là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh. Từ Hạ Long, theo Quốc lộ 18 ngược bắc 70km sẽ gặp thị trấn Tiên Yên. Ở đây có món đặc sản gà đồi trứ danh. Gọi là gà đồi là bởi giống gà địa phương ở đây truyền đời được nuôi thả rong, hàng ngày chúng “cuốc bộ” lang thang trên các triền đồi để tự túc kiếm ăn từ các loại trùng, dế, kiến, mối. Nhờ những thứ thực phẩm thiên nhiên độc đáo ấy mà thịt gà Tiên Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà vẫn giòn, không dai; béo mà không ngậy.
Tới Yên Tử, sau khi đã thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của chốn non thiêng , bạn có thể thưởng thức chén rượu sóng sánh màu vàng hổ phách với hương vị nồng ấm, men say ngây ngất. Rượu mơ Yên Tử có vị chua, ngọt đậm đà khiến du khách có cảm giác lâng lâng khoan khoái.
Nguyên liệu làm nem chua, nem chạo Quảng Yên đều là những thứ bình dân. Bì lợn được bào nhỏ, trắng như cước, thính làm bằng đỗ hay gạo rang và lạc rang giã dập, tất cả được trộn đều với nhau thật tơi. Chỉ đơn giản thế, nhưng qua bí quyết chế biến, trộn đều và pha nước chấm, hàng quà quê mùa trở nên lạ miệng, hấp dẫn. Những hàng nem chua, nem chạo là niềm tự hào của người dân thị trấn Quảng Yên, Quảng Ninh.
Ngoài gà đồi, bánh gật gù, Tiên Yên còn sở hữu một đặt sản bình dân khác là cà sáy. Cà sáy là vịt lai ngan, ít đâu chế biến cà sáy có hương vị tuyệt vời như người Tiên Yên. Không rõ họ làm kiểu gì nhưng ăn rồi chỉ có tấm tắc khen ngon mà thôi. Từ thịt cà sáy cho đến nước chấm đặc biệt đi kèm đều mang vị riêng khó diễn tả. Thịt ngon, thơm, nước chấm vừa có cái đậm đà biển cả, vừa ngọt ngào nồng ngậy xá xị và cay cay nóng nóng của gừng. Cứ thế chấm hoài, ăn hoài đến no mòng mà vẫn còn thòm thèm.
Đi dạo gần khu rạp Bạch Đằng, anh bạn người bản địa chợt lôi tôi vào một quán bánh cuốn chả mực để mời bữa tối. Bánh cuốn thì tôi biết thừa, lại vừa thưởng thức chả mực chính gốc Hạ Long, vậy khi hai món này kết hợp lại thì sẽ như thế nào nhỉ? Vẫn là những chiếc bánh cuốn được tráng mỏng khéo léo ôm lấy phần thịt bằm, nấm, mộc nhĩ bên trong, nghi ngút khói bay hương thơm của ruốc, hành phi. Phải gắp bánh cuốn, ăn kèm với rau mùi, một miếng chả mực vừa chiên vàng rộm, rồi nhúng tất cả vào bát nước chấm màu hổ phách sóng sánh khoanh ớt đỏ… ấy mới là cách thưởng thức món bánh cuốn chả mực thực thụ. Cả đêm ấy, tôi hoàn toàn ngây ngất bởi sự kết hợp tuyệt vời của bánh cuốn đã quen thuộc với chả mực Hạ Long – đậm đà, dân dã mà hấp dẫn.
Với nguồn nguyên liệu tươi sống được lấy từ vùng biển Quảng Ninh - nơi được xem là có loại bề bề siêu ngon - bún bề bề ở Cầu Trắng nhất quyết là nơi bán món ăn này tuyệt nhất quả đất. Cùng nhiều nguyên phụ liệu khác như cải ngọt, tôm sắt nõn, hành khô, hành lá, rau mùi, cà chua, ớt, nước dùng chính là nước luộc vỏ bề bề đã được lọc sạch và nước hầm xương ống, bún bề bề mang hương vị đậm đà, chua cay, ngọt ngào đến lạ. Nhưng nổi bật nhất trên cùng của tô bún vẫn là những con bề bề đã được chế biến sẵn có phần thịt dai chắc và hương vị ngon ngọt, đậm đà.
Làm bánh Tày nồng ệp - đặc sản Quảng Ninh - phải có thời gian vì qua nhiều công đoạn. Thứ bánh này không chiên mà hấp cách thủy nên ăn không ngán. Bánh hấp dẫn ngay từ khi mới chín, từ xửng lấy ra với màu vàng nâu, mặt có lạc, vừng càng quyến rũ.  Bánh Tày nồng ệp không ăn nóng mà để cho nguội mới thường thức. Món bánh khiến người ăn thích thú vì dẻo quẹo, hay hay. Để đổi vị, có thể chiên bánh, sẽ thấy sự cộng hưởng của vỏ giòn, bên trong mềm với cay cay gừng, ngọt đường phên và bùi bùi của lạc, vừng thật là thứ quà khó chối từ.
Bún xào ngán nhưng càng ăn càng ghiền chứ không hề ngán. Thật ra, ngán ở đây là một loài động vật nhuyễn thể, có vỏ cứng, thuộc họ sò hến và thường sống nơi bùn đất ven biển. Đặc biệt, ở Quảng Ninh, loài ngán này có khá nhiều. Thoạt nhìn, tôi hơi hụt hẫng vì một dĩa bún xào ngán không có nhiều màu sắc và bày trí không hấp dẫn, chỉ có màu trắng của bún trộn lẫn với màu đen của ngán, có thêm mộc nhĩ, nấm hương cũng màu đen cùng một chút màu xanh hành lá. Nhưng đến khi thử qua đũa đầu tiên, tôi cứ bần thần mãi bởi vị cay nồng rất đặc trưng của ngán, lại ăn cùng mộc nhĩ, nấm hương, mùi thơm thoang thoảng của mỡ và hành phi.
Một đặc sản khác của Hạ Long mà người Yên Hưng rất tự hào, đó là con hà. Canh hà Quảng Yên, đặc biệt là giống hà cồn sống ở sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức. Ngoài ra, hà có thể đem tẩm bột rán ăn rất béo.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

bình luận ()

Bình luận

tin liên quan

video hot

Về đầu trang