Những điểm sáng về kinh tế tháng Tám và 8 tháng đầu năm

author 16:10 30/08/2022

(VietQ.vn) - Theo Tổng cục Thống kê, tình hình kinh tế – xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022 của nước ta tiếp tục đà hồi phục nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực.

Theo đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm trước do thời điểm tháng 8/2021 nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như: Xung đột chính trị quân sự giữa Nga và U-crai-na; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước có đối tác thương mại lớn; dịch Covid-19 gia tăng trên thế giới với nhiều biến thể mới…

Những điểm sáng về kinh tế tháng Tám và 8 tháng đầu năm

 Những điểm sáng về kinh tế tháng Tám và 8 tháng đầu năm.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, kinh tế – xã hội nước ta trong 8 tháng năm 2022 vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Một số điểm sáng về tình hình kinh tế – xã hội tháng Tám và 8 tháng năm 2022 của nước ta như sau: Tiến độ thu hoạch lúa hè thu tăng cao, chăn nuôi ổn định; khai thác gỗ đạt khá; nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao. Tính đến trung tuần tháng Tám, cả nước thu hoạch được 1.112,7 nghìn ha lúa hè thu, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính tổng số bò của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng Tám năm 2022 tăng 3,4% so với cùng thời điểm năm trước; tổng số lợn tăng 6,8%; tổng số gia cầm tăng 3,6%. Sản lượng gỗ khai thác 8 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 triệu m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.172,2 nghìn tấn, tăng 7%.

Ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao trong bảy tháng liên tiếp, tháng 8/2022 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng Tám phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 15,4% (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019).

Vận chuyển hành khách tháng 8/2022 gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8%. Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% và luân chuyển hành khách tăng 51,6% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 20,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 28% (tương ứng tăng 9,8% và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng Tám đạt 486,4 nghìn lượt người, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.441 nghìn lượt người, gấp 13,7 lần cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng Tám ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Doanh nghiệp thích ứng tốt với bối cảnh mới, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao. Trong 8 tháng năm 2022, cả nước có 101,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 1.136,3 nghìn tỷ đồng, tổng số lao động đăng ký 696,2 nghìn lao động; tăng 24,2% về số doanh nghiệp, tăng 0,3% về vốn đăng ký và tăng 16,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tham gia thị trường 8 tháng năm 2022 đạt 149,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 104,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%.

Vốn đầu tư tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước tính tăng 16,9%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5%, cao nhất của 8 tháng trong 5 năm qua.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,79% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng năm 2020 (3,96%). Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 1,64%.

Công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống người dân được đảm bảo, chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn được thực hiện hiệu quả. Tính đến ngày 25/8/2022 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP đã giải ngân khoảng 1.689 tỷ đồng, hỗ trợ cho gần 2,6 triệu người lao động tại 61.068 doanh nghiệp.

Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%; sản xuất thiết bị điện và sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cùng tăng 17,4%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 14,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,2%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 10,4%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2021 đạt 431 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 213,7 tỷ USD, tăng 21,9%; nhập khẩu đạt 217,3 tỷ USD, tăng 34,4%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng các năm 2018-2022 lần lượt là: 11,3 tỷ USD; 12 tỷ USD; 11,4 tỷ USD; 11,6 tỷ USD; 12,8 tỷ USD. Lạm phát cơ bản được tính bằng chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang